Ngoc Hân Công Chúa – Lê Ngọc Hân (1770-1799)
Mà nay áo vải cờ đào, Giúp dân dựng nước xiết bao công trình…
Lê Ngọc Hân là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà có nhan sắc, thông minh, lại giỏi thơ văn.
Năm 1786, anh hùng “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh”. Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hóa.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng Hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột băng hà. Bà viết Tế Vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.
Tác phẩm Ai Tư Vãn chịu nhiều ảnh hưởng của bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, nhưng cũng không hiếm những đoạn, những câu rất ư cảm động tha thiết, làm rung động lòng người.
Có nhiều giả thuyết về cái chết của Ngọc Hân Hoàng Hậu, song thuyết đáng tin cậy nhất là bà mất vào năm 1799 từ bài văn tế bà do Phan Huy Ích viết, có chép trong Dụ Am Văn Tập. oOo Ngọc Hân Công Chúa (1770-1803)
Tục gọi Chúa Tiên. Con gái út vua Lê Hiển Tông (1740-1786).
Thông kinh sử, thạo âm luật và sành văn quốc âm. Năm bính ngọ, 1786, được gả cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc tỏ ỵ́ phò Lê diệt Trịnh. Năm mậu thân, 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, bà được phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu.
Vua Quang Trung mất năm nhâm tí, 1792; tính ra bà ăn ở với nhà vua được 6 năm, sinh hạ được 1 trai và 1 gái.
Có thuyết cho rằng sau khi nhà Tây Sơn đổ, bà đem hai con vào sống lẩn lút trong tỉnh Quảng Nam; sau vì có người chỉ điểm, bà cùng với các con đều bị nhà Nguyễn bắt giết.
Trương truyền bà có làm rất nhiều thơ văn, nhật là thơ quốc âm, nhưng nay phần lớn đều bị thất tán, chỉ còn lưu lại hai áng văn với lời lẽ lâm ly thống thiết phơi bày tấm lòng đau đớn thương nhớ của bà đối với chồng: đó là bài “Văn Tế Vua Quang Trung” và bài “Khóc Vua Quang Trung” (Tức “Ai Tư Vãn”).
***
Ngọc Hân Công Chúa chết từ bao giờ?
Đây là một nghi vấn lịch sử với nhiều dữ kiện không rõ rệt, gây nên nhiều giả thiết:
1- Ông Nguyễn An Phong biên khảo cho biết: Trong tập “Nhân vật Tây Sơn” ghi chép rằng “năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản và một số quần thần cùng Hoàng tộc thoát chạy ra Bắc, còn Ngọc Hân Công Chúa phải cải trang, thay tên đổi dạng vào lánh nạn ở Quảng Nam. Được ít lâu thì bị phát giác, quan quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú xuân và xử theo trọng hình, lối “Tam ban triều điển”.
2- Trong bài lược sử Công Chúa Ngọc Hân của Ngô Tất Tố thì cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
3- Trong bức thư đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp tháp tùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú Xuân đã ghi lại như sau: ” Nhà Vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị(Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: 1 cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc Kỳ (Ngọc Hân) em này cũng coi được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà Công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương.”
4- Theo “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” (Quyển 30 nói về Ngụy Tây liệt Truyện):”…Ngày mùng ba vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đem đồ quý giá chạy về bắc bỏ lại sắc và ấn của triều nhà Thanh phong cho, vừa ra khỏi cầu Phú xuân mấy dặm thì quân đều tứ tán, bèn cùng em là Thái tể Nguyễn Quang Thiệu, Nguyên súy Nguyễn Quang Khanh bọn đại tư mã Tứ, đô đốc Trừu cỡi ngựa nhắm lũy Động Hải ngày đêm chạy gấp…” Phần Sử liệu này cho biết quân Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân khiến quân Tây Sơn thua, hoảng chạy tán loạc. Số phận công Chúa Ngọc Hân vì cưu mang 2 con còn nhỏ dại, kể cũng khó mà chạy thoát (?). Hơn nữa, theo lá thư của ông Barizy thi quân Nguyễn Ánh đã bắt được 2 con của công Chúa Ngọc Hân. Trong cảnh chạy loạn thường mẹ đâu con đó, sống chết có nhau khó mà rời xa nhau được. Vậy 2 con bị bắt, mẹ hoặc cũng bị bắt, hoặc tự tử hoặc đã chết từ lâu.. các giả thiết này không phải hoàn toàn vô lý.
5- Ngọc Hân đã chết từ 1799? (3 năm trước ngày Phú Xuân thất thủ)(1801)?
***
Theo chính sử Triều Nguyễn (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện = DNCBLT) và Việt Nam Sử Lược = VNSL của Trần Trọng Kim lại viết khác: 1- “mối duyên Nguyễn Huệ lấy Ngọc Hân Công Chúa là âm mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh bàn với Chúa Trịnh Sâm“: Điều này không thể xẩy ra vì Trịnh Sâm đã chết từ tháng 9 năm nhâm dần (1782)(VNSL), trong khi Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh vào năm 1786 (Trịnh Khải là vị chúa cuối cùng của Chúa Trịnh đã tự tử chết sau khi bị Nguyễn Trang bắt nộp cho Tây Sơn)(VNSL) 2- “Nguyễn Huệ không chịu giao quyền lại cho vua Lê, lại tự lên ngôi xưng là Bắc Bình Vương”. DNCBLT cho biết: “Nguyễn Nhạc phong Huệ làm Bắc Bình Vương (Chúa đã dẹp yên đất Bắc). VNSL cũng cho biết: “Ở trong Nam thì từ khi vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn rồi, tự xưng làm Trung Ương Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Lữ (em) làm Đông Định Vương ở đất Gia Định, cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở đất Thuận Hóa, lấy Hải Vân Sơn làm giới hạn”.
VS
***
Vâng , chúa Trịnh Sâm chết ít lâu rồi Nguyễn Hữu Chỉnh mới “Cõng rắn cắn gà nhà ” giúp Tây Sơn diệt chúa Trịnh . Em nhầm ở chỗ là Nguyễn Hữu Chỉnh âm mưu với Chúa Trịnh Cán ,chứ không phải Trịnh Sâm để Nguyễn Huệ kết hôn với Ngọc Hân !(Nếu em không lầm ) Anh có tài liệu nào nói về cuộc hôn nhân này không ? Có phải do Nguyễn Hữu Chỉnh mai mối hay tự hai người nên duyên vợ chồng ?
Anh còn có tài liệu nào nói về tại sao Trịnh Khải là con trưởng lên ngôi Thế Tử thay Cha là Trịnh Sâm , nhưng sau ngôi này lại rơi vào tay người em là Trịnh Cán khiến triều đình chia ra hai phe xâu xé lẫn nhau không ? (Em không biết chỗ này có nhớ lầnm không )
Riêng việc ba anh em nhà Tây Sơn ,lý do vì sao tự xưng vương , trong lúc vua Lê còn đó, có phải sau khi họ đã diệt xong đàng ngoài và đàng trong rồi phân quyền cho nhau phải không anh ?
SK
***
Xin trả lời vắn tắt mấy điều thắc mắc của SK:
1- “Nguyễn Hữu Chỉnh âm mưu với Chúa Trịnh Cán” Theo Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim thì : “Trịnh Sâm say đắm nàng Đặng Thị Huệ bỏ con trưởng là Trịnh Khải mà lập người con của Đặng Thị là Trịnh Cán làm Thế tử. Từ đó người thì theo Đặng Thị,người thì phò Trịnh Khải, trong phủ chúa chia ra bè đảng …” Năm 1782 Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi Chúa, được Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo phụ chính. Vì Trịnh Cán còn nhỏ tuổi, lại lắm bệnh, không mấy ai phục, do đó có loạn Kiêu binh (quân Tam Phủ) mưu với Trịnh Khải gíết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ và tôn Trịnh Khải lên ngôi Chúa. Như vậy, Nguyễn Hữu Chỉnh không thể âm mưu với chúa Trịnh Cán.
2- “Nguyễn Huệ kết duyên với Ngọc Hân Công Chúa có phải do Nguyễn Hũu Chỉnh mai mối? Đúng. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc cùng với Nguyễn Hữu Chỉnh “diệt Trịnh phù Lê”, Trịnh Khải bị bắt đã tự tử chết, chấm dứt Họ Trịnh. Vua Lê Hiển Tông đón tiếp Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long và phong cho Nguyễn Huệ làm Uy Quốc Công. Nguyễn Huệ tỏ vẻ bất bình nên Nguyễn Hữu Chỉnh đã làm mai mối để vua Lê gả con gái yêu là Ngọc Hân Công Chúa (tục gọi là Chúa Tiên vừa xinh đẹp, vừa tài giỏi)cho Nguyễn Huệ với ý định làm vui lòng vị tướng quân anh hùng này.
3- “Có phải sau khi họ (anh em Tây Sơn) đã diệt xong đàng ngoài và đàng trong rồi chia quyền cho nhau?”. Vâng, đúng như anh SK nhận xét, ba anh em Nguyễn Tây Sơn chia đất phân quyền sau khi họ đã tạm ổn định miền Nam và đánh tan họ Trịnh ở miền Bắc. Theo Việt Nam Sử Lược (TTK): Sau khi Nguyễn Nhạc tiếp kiến vua Chiêu Thống từ Bắc trở về, đã coi Bắc Hà là một “nước” do vua Lê cai quản, nên tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế, và phong tước Vương và chia đất cho các em như đã nói ở trên. Theo DNCBLT, năm 1785 sau khi cầu cứu 20 vạn quân Xiêm sang đánh nước ta bị đại bại, Nguyễn Ánh lại chạy sang Xiêm trốn tránh. Đến mùa xuân 1789, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, Chính sử Trìều Nguyễn (DNCBLT)cũng đã phải công nhận công thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn như sau: “Vua Chiêu Thống cũng vội vã qua sông Nhị theo Tôn Sĩ Nghị lên phía Bắc. Do đó nhà Lê mất. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ bèn gồm cả đất An Nam.”
VS
***
Những tài liệu lịch sử xác minh ngày mất của Ngọc Hân Công Chúa, tức Bắc Cung Hoàng Hậu triều vua Quang Trung
Theo ông Nguyễn An Phong (Giai Phẩm Tây Sơn Đinh Sửu 1997), các tài liệu sau đây đã chứng minh ngày mất của công chúa Ngọc Hân: 1- Theo bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, đã ghi ngày chết của Ngọc Hân Công Chúa như sau: “Tốt vụ kỷ mùi niên, thập nhật nguyệt, sơ bát nhật”. (chết vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi nhằm ngày mùng 4 tháng 12 năm 1799). 2- Căn cứ vào 5 bài Văn Tế của Phan Huy Ích soạn vào năm Kỷ Mùi (1799)trong Dụ Am thi Tập, có những chứng cớ như sau: – 1 bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế, với đề là: “Kỷ Mùi đông nghĩ, ngự điện Vũ Hoàng Hậu”. Bài văn tế này lời lẽ rất phù hợp với hoàn cảnh của Vũ Hoàng Hậu tức Ngọc Hân Công Chúa. – 1 bài soạn cho các công chúa của vua Quang Trung đứng tế. – 1 bài soạn cho bà thân sinh Hoàng Hậu là Từ Ninh Phù Cung đứng tế. – 1 bài soạn cho các tôn thất nhà Lê đứng tế. -1 bài soạn cho bà con bên ngoại của Hoàng Hậu ở Phù Ninh đứng tế.
Theo “Từ Điển Nhân Vật Lịch sử”, Công Chúa Lê Thị Ngọc Hân là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông, và Phù Ninh Từ cung Nguyễn Thị Huyền, quê mẹ ở làng Phù Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Bà tục gọi là Chúa Tiên, người đã xinh đẹp lại có tài văn chương. Năm 15 tuổi (Bính Ngọ 1786) bà lấy chồng là Nguyên Súy Uy chinh phù vận Uy quốc công Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn. Sau chồng lên ngôi (tức vua Quang Trung), bà được làm Bắc Cung Hoàng Hâu….Đến năm Kỷ Mùi 1799 bà mất, hưởng dương 28 tuổi. vua Cảnh Thịnh truy tôn miếu hiệu là Như Ý Trang thận Trinh nhất Võ Hoàng Hậu. Ngoài các chứng liệu ghi trên, Ông Nguyễn An Phong còn dẫn chứng thêm trong bức thư đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy như đã đề cập ở trên, và cho biết: “Ta thấy rằng khi Barizy đến tận nhà giam để kiểm nhận và xem mặt tất cả các hoàng tử và công chúa, quan lại và gia đình của các quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú Xuân có rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có một Hoàng Hậu Ngọc Hân mà ông ta đã ghi là “công chúa Bắc Kỳ”.
Nhận xét của Vương Sinh: Về chứng liệu “lá thư của ông Barizy”, theo nhận xét của VS, chúng ta không được đọc đầy đủ cả bức thư, nên cũng khó mà có ý kiến xác đáng, bởi vì trích đoạn lá thư chỉ cho biết: “Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung)…”, nghĩa là ông Barizy mới chỉ đến thăm “phòng giam” các cô công chúa con vua Quang Trung, chứ không đề cập tới các phòng giam khác có giam giữ các bà vợ của Vua Quang Trung, của vua Cảnh Thịnh hoặc các bà vợ của các quan lớn triều đình Tây Sơn. Về chứng liệu “Dụ Am thi Tập” và 5 bài văn tế, VS cũng chưa được đọc và cũng không có tài liệu gì về các bài văn tế đó. Trong phần tiểu sử ông Phan Huy ích (Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam – N.Q.Thắng & N.B.Thế), cũng không thấy ghi Dụ Am Thi Tập (?). Qúy anh chị nào có Dụ Am Thi Tập của Phan Huy Ích, xin cho biết, vì tài liệu này sẽ chứng minh khá vững chắc về ngày mất của Bà Ngọc Hân. Về Phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, đây cũng là một chứng liệu, nhưng phả ký này có phải của dòng tộc họ Lê không? Chúng ta không biết.(Phả ký nêu ra thuộc họ Nguyễn Ngọc chứ không phải họ Lê).
Để kết luận, nghi vấn lịch sử về cái chết của vị công chúa tài danh Lê Ngọc Hân tuy chưa thực sự sáng tỏ vì các tài liệu đời Tây Sơn đã bị vua nhà Nguyễn tiêu huỷ hết, nhưng chúng ta tạm bằng lòng với các tài liệu do ông Nguyễn An Phong đã sưu tập được vì phù hợp với tài liệu của “Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử”, nghĩa là Ngọc Hân Công Chúa sinh ngày 24 tháng 4 năm Canh Dần (22 tháng 5 năm 1770), và mất ngày mùng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799). Trong Lịch các vị Phụ nữ Truyền thuyết Việt Nam, chúng ta bằng lòng với tiểu sử của Ngọc Hân Công chúa như trên vậy.
Vương Sinh
***