Nếu chúng ta tin rằng Việt Nam có 4000 năm văn hiến, thì chắc không ai lý giải được tại sao vào năm 2012 mà Việt Nam lại ở cái vị trí tụt hậu quá xa so với các nước khác với lịch sử của họ chỉ vài trăm năm, hay thậm chí vài chục năm.
Đửng đổ lỗi cho chiến tranh. Có đất nước nào có lịch sử lâu đời lại không trải qua chiến tranh không? Trung Quấc, Nga, Đức, Anh, Nhật, thậm chí Mỹ, Úc cũng đã trải qua rất nhiều cuộc chiến, và họ không phải lúc nào cũng là kẻ chiến thắng. Nhưng cho dù là kẻ chiến bại và gánh chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh đi nữa, thì ngày nay những quấc gia chiến bại đó đều cúi gằm đầu và lẳng lặng vượt xa Việt Nam, bỏ chúng ta lại sau lưng một đoạn quá dài, quá xa và quá khó để sánh vai cho kịp người ta. Đửng đổ lỗi cho chế độ. Cộng sản thì sao? Tư bản thì sao? Xã hội chủ nghĩa thì sao? Quân chủ lập hiến thì sao? Chế độ không phải là chướng ngại vật ngăn cản chúng ta hành xử chân thiện mỹ. Hơn nữa, ngày hôm nay nếu so sánh giữa Úc, Thụy Điển với Việt Nam thì ai dám nói nước nào là Cộng Sản, nước nào là Tư Bản, nếu quy về bài học lịch sử mà người Việt Nam được giáo dục rằng Tư bản là thối nát, là bóc lột, là xã hội không công bằng còn cộng sản là mọi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu? Vậy vấn đề nằm chỗ nào?
Vấn đề lớn nhất của Việt Nam, hay vấn đề của Người Việt Nam ở Việt Nam, theo tui chính là làm không được lời mình nói. Lời nói thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình. Và lời nói nào của người Việt Nam nào, từ cha tới chú từ chính phủ cho tới bán vé số đều đẹp đẽ, đều sạch sẽ, và đều thể hiện được ước muốn tột cùng của họ. Nói về ước muốn, tất nhiên là con người ai cũng có mơ ước cao xa và đẹp đẽ, ai cũng thích nghĩ tới những điều tốt đẹp, những điều CHÂN – THIỆN – MỸ. Do đó lời nói của mình tự nhiên nói ra những mong ước đó, âu cũng là lẽ thường tình, mang đầy CHÂN – THIỆN – MỸ. Ví dụ thì khỏi cần ha, ai cũng biết hằng hà sa số những ví dụ về lời nói đẹp đẽ này rồi. Nhưng khi nói ra xong, thì người Việt Nam lại không làm được lời mình nói, tức là không có năng lực thực hành. Hoặc đỡ hơn trường hợp đó một chút, thì làm cái gì đó tốt đẹp được một thời gian, sau đó lại chính mình đánh mất cái phẩm chất của mình, chất lượng của cái thứ tốt đẹp đó tự động giảm dần, giảm dần theo thời gian, và cho tới một ngày nào đó thì nó khác hẳn so với cái ban đầu mình cam kết. Tui nói vậy không biết bạn đọc blog tui có hiểu ra được vấn đề không, hay vẫn còn trơ trơ ra: ủa nó nói ai vậy? Cái việc NÓI MỘT ĐẰNG LÀM MỘT NẺO đó xuất phát từ đâu? Có lẽ, nó khởi nguồn từ đặc tính của dân tộc, đặc điểm giống nòi, đặc điểm của dân định canh định cư, quần canh quần cư, và đặc điểm của dân á đông. Đặc điểm đó là gì? Là linh hoạt, là nhiễu điều phủ lấy giá gương, là đồng cam cộng khổ, là lá lành đùm lá rách, là chín bỏ làm mười, là một câu nhịn chín câu lành, là dĩ hòa vi quý. (1) Ở Việt Nam năm 2012, tui ít khi nào thấy được người nào ép mình sống theo ba chữ thôi, tui nhắc lại – BA CHỮ – thôi, đó là CHÂN – THIỆN – MỸ. Và, cái lời nói đẹp đẽ ngọt ngào bay bổng hào hoa phóng khoáng tràn đầy khí phách đó nó nằm ở chữ cuối cùng, chữ Mỹ. Chân không có, Thiện cũng không có, chỉ có Mỹ, tức là chỉ có ý chí muốn như vậy, nhưng tay chân và cơ thể không có cơ sở đạt được cái điều ý chí muốn đạt được, cái này hồi xưa có một chữ hay lắm, bây giờ thấy ít ai xài: bị Duy ý chí. (2) Duy ý chí là gì? Là không thực tế, là thắng lợi trong tư tưởng có khả năng đạt được thỏa mãn cao trong tinh thần lẫn thực tế. Từ (1) và (2) đó, nếu mà gán ghép lại thì nó sản sinh ra một dân tộc như thế nào, một đất nước như thế nào? Đưa ra một ví dụ điển hình quy nạp trước nha bà con:
Trần Văn A – giám đốc công ty ABC làm du lịch miệt vườn bán tour inbound (trong nước) cho khách nước ngoài. Anh Trần Văn A tuyên bố rằng tour du lịch miệt vườn của ảnh là dịch vụ tốt nhất khu vực. Ảnh cung cấp được khoảng chừng 10 tour đầu tiên là dịch vụ giống như lời ảnh nói. Tới tour thứ 11, lượng khách giảm lại chỉ còn khoảng 20 khách/xe, sở hụi chỉ vừa đủ chứ không có lời, anh Trần Văn A bèn nghĩ cách: thôi kệ, cắt bữa ăn mỗi bữa 5 món xuống còn 4 món thôi, hoặc một món 5 người ăn cắt xuống còn 4 người ăn thôi, khách sạn 4 sao giảm xuống còn 3 sao thôi, hành trình tour cắt bỏ một điểm cũng không sao đâu. Tất nhiên, thẳng thắn mà nói thì đúng là không sao thiệt. Và cắt được tour 20 khách, anh Trần Văn A sẽ cảm thấy mình đã dọn được đường cho việc cắt giảm các tour sau đó và sau đó nữa để tăng lợi nhuận. Vậy là sau một thời gian, ở điểm tour thứ 50 hay 100 gì đó, thì khách hàng của anh Trần Văn A đã bỏ đi hết, chuyển qua công ty anh Nguyễn Văn B. Cờ tới tay thì phải phất, anh B lại tiếp tục con đường của anh A, cứ thế cứ thế, cây cờ lần lượt chuyền tay qua anh C, anh D, anh E và cứ thế chuyền qua chuyền lại, khách thì thay vì tăng dần lại cứ giảm dần giảm dần.
Tui nghĩ, mở rộng anh Trần Văn A ra thì chắc xã hội này không thiếu những anh A phẩy, A hai phẩy, A ba phẩy, A bốn phẩy, A một trăm một ngàn phẩy cũng có chứ không thiếu. Sản xuất cũng vậy, ai sản xuất một thời gian cũng nghĩ cách giảm chi phí bằng cách tìm nguyên liệu rẻ hơn bất chấp chất lượng của nguyên liệu đó là gì. Dịch vụ cũng vậy, làm dịch vụ một thời gian thấy kinh doanh tốt quá bèn giảm chất lượng dịch vụ, giảm nhân viên, giảm dịch vụ cộng thêm. Và họ nghĩ rằng họ kiếm được tiền lời là được, còn khách hàng thì biết gì đâu, cứ thế mà mua thôi, vì chuẩn xã hội tới đó là hết rồi, làm gì có thằng nào vượt lên đựơc mà lo. Nhưng tầm nhìn của những người đó, theo tui là hơi ngắn rồi. Nhìn ra thế giới coi cái công ty có lịch sử khoảng 30 năm của người ta là bao nhiêu công ty, còn công ty có lịch sử 30 năm của Việt Nam là bao nhiêu công ty? Tại sao người ta càng làm càng phát triển càng vững mạnh, còn người Việt Nam chúng ta ít công ty nào có lịch sử đủ sức cạnh tranh với người khác như vậy? Giải thích sao đây, và giải quyết sao đây? Có lẽ, sẽ có người giải thích rằng, vì dân tộc này bị chiến tranh đe dọa liên miên nên không ai làm cái gì mà dám hay muốn nghĩ xa hơn hai ba đời. Làm cái gì cũng vậy, trước hết lo cho tháng này, năm này và đời này là đủ rồi. Ai nghĩ xa hơn chút, hay có gia đình có truyền thống, có điều kiện hơn chút thì nghĩ thêm được tới đời con mình là hết rồi. Tui chưa từng có dịp nào được nói chuyện với một nhà kinh doanh nào ở Việt Nam nói về tầm nhìn xa hơn 50 năm của chính công ty họ. Nhắc lại: chưa từng. Ai cũng nói kiểu này: đối với nền kinh tế hiện nay, hoạch định chính sách kinh doanh xa hơn 5 năm là không thông minh. Thông minh nhất là hoạch định chính sách từng năm một, vậy mới dễ trở tay, chứ xa quá rồi biết thời cuộc nó đi tới đâu. Thấy giá vàng giá đô hông, nó biến động từng ngày, mình kinh doanh quấc tế mà không biến đổi kịp thời như nó là mình chết. Đửng ham chiến lược dài hạn em ơi. Hôm nay lo hôm nay đi, tháng này lo kiếm đủ tháng này đi được rồi, xa quá tính hổng tới đâu. Chắc có lẽ tui hơi chậm tiến rồi, bởi vì tui thấy cái kiểu làm ăn “ngắn hạn” đó là làm ăn chụp giựt. Nhưng mà cũng không trách được những người kinh doanh ngắn hạn kiểu đó, vì ai mà biết cái đất nước này sẽ đi đâu về đâu? Ai mà biết tiền mình làm ra gởi trong ngân hàng hai ba năm sau sẽ có giá trị như thế nào? Và ai mà biết con cháu mình sau này sẽ mang quấc tịch gì? Hình như tui nói hơi xa rồi. Quay lại, giải quyết cái vụ NÓI MỘT ĐẰNG LÀM MỘT NẺO như thế nào?Giáo dục, hai chữ thôi, giáo dục. Thêm một chữ nữa: dạy làm người. Dạy ai? Dạy dân, dạy người Việt Nam, dạy thế hệ trẻ, nếu cần thiết thì đè mấy ông người lớn ra dạy luôn. Dạy cái gì? Dạy 5 chữ thôi: NHÂN – NGHĨA – LỄ – TRÍ – TÍN. Dạy như thế nào? À, khúc này chừng nào gặp đúng người đúng bịnh đi rồi tui nói cho nghe, giờ nói không không mất công người ta nói mình ăn ở không nói nhảm nữa. Tóm lại, đất nước Việt Nam có phát triển hay không còn tùy thuộc vô cái vụ người Việt Nam có bỏ được cái tật NÓI MỘT ĐẰNG LÀM MỘT NẺO không. Có câu chuyện cười, viết lại cho bà con nghe: thế giới sợ nước Mỹ, vì nước Mỹ nói là làm. Nhưng nước Mỹ sợ nước Nhật, vì nước Nhật không nói mà làm. Nhưng nước Nhật là sợ Trung Quấc, vì Trung Quấc nói mà không làm. Còn Trung Quấc lại sợ nhứt Việt Nam, vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo. Túm cái quần lại, đọc hết bài này ai hiểu thì hiểu, ai không hiểu thì thôi, đửng ráng tư duy coi ủa thằng này nó có chửi mình hông ta, hay là ủa thằng khùng này nó nói cái gì vậy nha, mệt não lắm à…
Related