Ngày 23/10/2019, tài khoản Facebook có tên là Trương Minh Nhật lên tiếng khẳng định bài thơ “Gánh mẹ” do mình sáng tác và đã bị nhạc sĩ Quách Beem (Đoàn Đông Đức) “đạo” để viết thành ca khúc cùng tên. Ngoài ra, ông Nhật còn tiếp tục chia sẻ biên bản viết tay giữa mình với nhạc sĩ Quách Beem ngày 11/10/2019 về việc nam nhạc sĩ muốn hợp tác với ông trong sản phẩm âm nhạc “Gánh mẹ 2” trên mạng xã hội, theo quan điểm của ông đây là hành động nhằm tránh tai tiếng đạo thơ trong ca khúc “Gánh mẹ” trước đó. Đồng thời ông yêu cầu nhạc sĩ Đoàn Đông Đức phải đính chính lại tất cả các ấn phẩm có bài hát “Gánh mẹ” trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng nơi ông Đức phát hành ca khúc và trang cá nhân của mình theo đúng sự thật.
Đứng trước những thông tin tố cáo mình từ phía ông Trương Minh Nhật, nhạc sĩ Quách Beem cho hay, bài hát “Gánh mẹ” được mình sáng tác, ký âm ngày 25/10/2013, được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa – thể thao du lịch cấp phép” và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền tác giả đối với tác phẩm này. Bên cạnh đó, nhạc sĩ nói rằng ông Trương Minh Nhật vu khống mình và hình ảnh chụp màn hình trên Facebook vào 31/07/2014 là lấy lời bài hát của nhạc sĩ sau đó viết thành thơ của mình. Đồng thời, đã yêu cầu ông Nhật cung cấp bằng chứng hợp pháp về bản quyền nhưng ông không cung cấp được, hơn nữa, nhạc sĩ còn tố cáo ông đã có những hành vi xúc phạm, quấy rối, tống tiền mình. Tuy nhiên, theo như thông tin tra cứu trên website của Cục Bản quyền tác giả, tác phẩm “Gánh mẹ” mới chỉ được đăng ký vào ngày 26/03/2019, trước khi phim “Lật mặt 4: Nhà có khách” công chiếu ngay sau đó.
Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định, “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ như sau “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.
Từ những căn cứ trên, người sáng tạo ra tác phẩm văn học bằng một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký, đều phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm đó.
Mặt khác, tác phẩm văn học là một trong những loại hình được bảo vệ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ. Thời hạn được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết (Điều 27 LSHTT). Do đó, trong thời hạn được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm, người sáng tạo tác phẩm đó cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 49 LSHTT.
Như vậy, từ những căn cứ trên DTD nhận định, trong vụ việc tranh chấp giữa nhạc sĩ Quách Beem và nhà thơ Trương Minh Nhật. Trong trường hợp một trong hai bên khởi kiện ra Tòa án, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của nhạc sĩ Quách Beem sẽ không còn được xem là căn cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với “Gánh mẹ”nữa. Theo đó, Tòa án sẽ xem xét những giấy tờ, tài liệu được hai bên đưa ra để làm căn cứ chứng minh mình là người sáng tác ra lời bài hát “Gánh mẹ”.
Trước khi có quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền – Tòa án, thì mọi nguồn thông tin cũng như những suy luận đều chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, DTD mong rằng, các cơ quan chức năng sớm điều tra và làm rõ vụ việc để có thể đưa “Gánh mẹ” trở về với đúng “chủ nhân” của mình, bởi tác phẩm này không chỉ là “linh hồn” đem lại dấu ấn sâu sắc cho bộ phim “Lật mặt 4: Nhà có khách” mà còn chứa đựng tình cảm yêu thương đối với người mẹ mà tác giả thực sự của “Gánh mẹ” gửi vào đó.