Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Nói với con”
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ “Nói với con” – Gia đình là tổ ấm, là nơi mà ai cũng mong muốn được trở về. Ở đó, ta nhận được tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc chân thành từ những người thân yêu nhất. Tác phẩm “Nói với con” của Y Phương là một bài thơ xúc động thể hiện tình cha con thiêng liêng đồng thời từ đó nói lên tình yêu quê hương, đất nước, yêu cội nguồn, dân tộc.
Mở đầu bài thơ, tác giả vẽ lên một bức tranh gia đình vô cùng thân thuộc với những tiếng cười nói ấm áp, hạnh phúc.
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Từ những ngày còn thơ bé, con được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Mẹ dạy con bi bô tập nói, cha dạy con chập chững những bước đi đầu đời. Dù con có vấp ngã cũng được nâng đỡ, chở che bởi vòng tay cha mẹ. Cuộc đời con trôi qua êm đềm trong tình yêu thương, trong tiếng cười giòn tan bên mái ấm gia đình.
Người đồng mình thương lắm con ơi!
Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng
Cuộc sống của những người nông dân trôi qua từng ngày trong tình cảm gắn bó thân thiết. Họ cùng nhau chăm chỉ làm ăn, cùng giúp đỡ nhau những ngày gian khó. Cùng hát ca niềm vui hân hoan. Cái chữ người đồng mình nghe sao thật gần gũi, mến thương. Họ không phải chỉ là những gia đình đơn lẻ, cái tình cảm chân thành keo sơn đã gắn kết những gia đình ấy thành một gia đình lớn hơn với tên gọi “quê hương”. Con không chỉ lớn trong tình thương của gia đình, của xóm làng mà mẹ thiên nhiên cũng là cái nôi nuôi con khôn lớn. Rừng núi với thác với ghềnh, với cây với cỏ đã nuôi dưỡng con cả về thể chất lẫn tâm hồn. Rừng cho con hoa thơm trái ngọt. Sự hiền hòa bao dung của núi rừng nuôi dưỡng tâm hồn con trở nên nhân hậu, dịu hiền.
Tác giả muốn mượn lời nói với con để ngợi ca vẻ đẹp của những người con quê hương, đồng thời nói lên lòng biết ơn đối với những khổ cực, gian lao mà họ trải qua để xây dựng nên sự bình yên cho xóm làng.
Người đồng thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì là phong tục
Người đồng mình với biết bao phẩm chất tốt đẹp. Họ cùng nhau vượt qua gian khó để bám trụ, để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Những con người mộc mạc ấy tuy bé nhỏ về thể lực nhưng mà ý chí, sức mạnh của họ lại không hề nhỏ bé. Nó mạnh mẽ và kiên cường, bất kì khó khăn nào cũng không thể quật ngã. Họ dựng xây quê hương và giữ gìn những truyền thống, những phong tục tốt đẹp của quê hương mình bằng một lòng tựu hào và tôn kính.
Tình yêu của người cha không chỉ thể hiện ở sự chăm sóc, nuôi dưỡng mà nó còn được bộc lộ qua những lời nhắc nhở, những mong ước chân thành.
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Cha mong con sống ngay thẳng, chính trực, phải biết yêu thương và những con người nơi đây. Dù quê hương có nghèo có đói thì đó vẫn là cội nguồn, là nơi mà con lớn lên. Con không được chê bai, không được nản lòng mà phải biết tự hào về quê hương. Con phải biết trèo đèo lội suối, biết vượt qua gian nan, thử thách, không được bỏ cuộc trước sóng gió và những cực nhọc của cuộc đời. Con phải sống xứng đáng với tình yêu của mẹ cha, của người đồng mình.
Với lời thơ nhẹ nhàng, chan chứa tình cảm, tác giả Y Phương qua bài thơ “Nói với con” không chỉ thể hiện được tình cảm cha con thiêng liêng mà còn bộc lỗ rõ nét lòng tự hào về quê hương, lòng tự tôn dân tộc. Bài thơ như muốn răn dạy con người, đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết yêu, biết quý và tự hào về quê hương nơi mình sinh ra. Để từ đó sống và cống hiến hết mình vì sự giàu đẹp của quê hương, đất nước.
Seen