Có thể chia bài thơ thành 4 đoạn như sau:
Đoạn 1. Từ đầu đến “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Đoạn thơ nói về nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội của mình khi họ phải đối mặt với những cuộc hành quân làm nhiệm vụ giữa núi rừng Tây Bắc.
Đoạn 2. Tiếp đến “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Là nỗi nhớ của nhà thơ về những vẻ đẹp bí ẩn trong đêm hội đuốc hoa tổ chức trong doanh trại và vẻ đẹp của sông nước Tây Bắc.
Đoạn 3. Tiếp đến “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Là nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội của mình khi họ phải đối mặt với gian khổ, bệnh tật và đặc biệt là với cái chết.
Đoạn 4. Còn lại. Lời tâm nguyện mãi mãi gắn bó với Tây Tiến và với miền Tây của Quang Dũng cũng như của những người lính Tây Tiến.
Câu 2. Nét đặc sắc của bức tranh thiên nhiên được vẽ ra ở đoạn thơ thứ nhất? Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trên nền cảnh thiên nhiên ấy như thế nào?
Bức tranh thiên nhiên ở đoạn thơ thứ nhất nổi bật lên với vẻ đẹp lãng mạn. Đó là vẻ đẹp của núi rừng, của những địa danh nơi đoàn quan hành quân qua: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu. Mặc dù đường hành quân gian nan nguy hiểm: khúc khủyu, thăm thẳm, có thác, có cọp nhưng ở đó đoàn quân vẫn nhìn và cảm nhận nó bằng những hình ảnh đầy lãng mạn, mơ mộng: sương lấp, hoa về, cồn mây, mưa xa khơi…
Trên nền cảnh ấy, đoàn quân Tây Tiến hiện ra với những biểu tượng của người lính: súng và mũ. Sự mệt mỏi khiến họ đi không nổi nhưng họ vẫn hết sức yêu đời, vẫn nhìn cảnh vật bằng cái nhìn tươi đẹp nhất và vẫn ngủ gục trên những cây súng cùng nhau. Họ là những người thanh niên trai tráng, yêu đời, yêu nước; trước cái chết nhưng vẫn vô cùng hiên ngang.
Câu 3. Đoạn thơ thứ hai lại mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp mới của con người và thiên nhiên miền Tây, khác với cảnh vật ở đoạn thơ thứ nhất. Hãy phân tích để làm rõ vẻ đẹp ấy?
Ở đoạn hơ thứ hai, phong cảnh lại hiện lên với vẻ đẹp rộn rã, tươi vui của đêm hội đuốc hoa: xiêm áo, khèn, nhạc… Những cô gái dân tộc e ấp trong những điệu nhảy truyền thống và say sưa trong lời ca nốt nhạc.
Những người lính ở đoạn này lại hiện lên với vẻ hết sức hào hoa. Họ vẫn sẵn sàng hòa mình vào với cuộc sống của nhân dân, chung hưởng niềm vui của người bản địa. Vẫn nhớ về châu Mộc với dáng người con gái trên con thuyền lênh đênh dòng nước lũ. Tình quân dân giữa nhưng người lính Tây Tiến và những người dân miền Tây vô cùng gắn bó, đậm đà, son sắt. Họ sống đúng với lứa tuổi của mình, yêu đời, trẻ trung, không hề thấy bóng dáng của cái chết và chiến tranh ở đây.
Câu 4. Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến được tác giả tập trung khắc họa ở đoạn thơ thứ ba. Qua đó, hãy làm rõ vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến.
Ở đoạn thơ thứ ba, hình ảnh người lính hiện lên có sự xen lẫn giữa lãng mạn, anh hùng nhưng cũng vô cùng hào hoa.
Vẻ đẹp lãng mạn và anh hùng ở chỗ: vì sốt rét mà rụng hết tóc, vì phải cạo trọc đầu để đánh giáp lá cà thế nhưng họ vẫn coi đó là điểm độc đáo, là đặc trưng không thể lẫn lộn của binh đoàn Tây Tiến. Vì sốt rét và thiếu ăn nên da xanh bủng beo, vì phải dùng lá để ngụy trang kín người nhưng họ lại coi đó là màu của sự oai hùng và niềm kiêu hãnh.
Thế nhưng những người lính ấy vẫn có những lúc hết sức lãng mạn và mơ mộng khi nhớ về bóng hình những cô gái Hà Nội. Những người con gái của quê nhà mà họ vẫn hằng nhớ thương hàng đêm. Vậy ra họ không hề nông nổi, quên nhà mà thực lòng vẫn đau đáu nỗi nhớ về quê hương.
Những câu thơ cuối đoạn này lại làm hình ảnh những người lính một lần nữa hiện lên đầy lãng mạn. Đó là những người khi hy sinh nhưng lại coi việc không có một manh chiếu để chôn cũng nhẹ tựa lông hồng. Với họ chỉ cần chiếc áo người lính đã được coi như một chiếc long bào. Với họ, sự ra đi chỉ là “về đất” là thác gửi về với mẹ hiền. Họ nói về cái chết một cách nhẹ nhàng và hài hước. Họ hiểu những gì mình đang làm, mình phải đánh đổi nhưng họ vẫn nhìn nó bằng cái nhìn hết sức tích cực của những người lính gian khổ.
Câu 5. Ở đoạn thơ thứ tư, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào? Vì sao nhà thơ viết “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”?
Mùa xuân ấy, đoàn quân đã hành quân Tây Tiến, không một lời hẹn ước đến đi đều trong vội vã, đều là những cuộc chạy đua lao mình vào cuộc chiến. Thế nhưng chính những gì đã trải qua, những con đường đã đi qua, những kỷ niệm đẹp bên những bản làng miền Tây đã gắn bó và trở thành một phần linh hồn không thể phai mờ trong họ. Chính những tình cảm và ký ức tốt đẹp ấy đã khiến nhà thơ khi về xuôi mãi luyến lưu và nhớ về Tây Tiến. Đây đồng thời cũng là một lời hẹn ước, một tâm nguyện của nhà thơ, người lính Tây Tiến mãi gắn bó và nhớ thương, trân trọng một giai đoạn cùng Tây Tiến.