Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh Ngày Hè – Thiên nhiên luôn là khởi nguồn cảm xúc bất tận trong các thi nhân. Và nhà thơ Nguyễn Trãi cũng không nằm ngoài số đó. Ông đã có một bài thơ rất nổi tiếng đó làbài Cảnh ngày hè. Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi là bài số 43 trong trùm thơ Bảo kính Cảnh giới của Quốc âm thi tập. Bài thơ Cảnh ngày hè đã cho ta thấy được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và tấm lòng yêu nước thương dân của tác giả.
Câu thơ đầu tiên Nguyễn Trãi đã viết:
Rồi hóng mát, thưở ngày trường
Từ câu thơ này đã cho ta thấy được hình ảnh của thi nhân lúc này. Với một bậc khai quốc công thần luôn có gắng tận trung, tận lực giúp vua, giúp nước; với một người thân không nhàn mà tâm cũng không nhàn như Nguyễn Trãi thì khoảng thời gian ” ngày trường” rỗi rãi đúng là khoảng thời gian đặc biệt hiếm hoi, đáng quý. Đây cũng là hoàn cảnh lí tưởng để nhà thơ đến với thiên nhiên và yêu say cảnh đẹp.
Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Nếu như những nhà thơ xưa khi miêu tả mùa thường chú ý tới tả cảnh hình sắc, như Nguyễn Du từng có một câu thơ tả về mùa hè như: “Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Thì Nguyễn Trãi lại khác, ông không chỉ miêu tả mùa hè qua cảnh sắc mà đồng thời qua từng cảnh sắc đó lại miêu tả rõ rệt sức sống của mùa hè. Tác giả gợi tả những hình ảnh rất đặc trưng của mùa hè như: Hoa thạch lựu, tán hòe xanh, hương sen thơm ngát. Nhà thơ cảm nhận không gian mùa hè bằng cả thị giác và khứu giác. Qua từng hình ảnh ta còn có thể cảm nhận được bước di chuyển của mùa hè. Bên cạnh đó, cảnh vật còn có sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc, hương thơm và trạng thái: màu lục của lá hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, ánh mặt trời buổi chiều như rắc vàng lên những tán lá hòe, hương sen thơm ngát bao trùm cảnh vật. Sự vật dường như cũng mang theo một nội lực, một sức sống mạnh mẽ, căng trào, muốn bứt phá để trổ dáng, khoe sắc, tỏa hương. Động từ “đùn đùn, phun, tiễn” khiến cho mọi vật như đang di chuyển làm nên không khí của ngày hè nhộn nhịp, tươi vui. Không chỉ vậy nhà thơ còn cảm nhận mùa hè qua cuộc sống của người dân làng chài:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Đây chính là bức tranh về cuộc sống cuối ngày của con người đã được thi nhân thâu tóm lại. Ngày gần hết nhưng cuộc sống của con người vẫn chưa dừng lại, không mang cảm giác ảm đạm mà ngược lại còn vui tươi, hối hả. Nghệ thuật đảo ngữ: “lao xao chợ cá”, “dắng dỏi cầm ve” đã giúp nhấn mạnh không khí nhộn nhịp của chiều hè nơi làng chài. Tiếng người mua kẻ bán lao xao văng vẳng đến từ chợ cá làng chài, tiếng ve “dắng dỏi” như tiếng đàn vang dội, râm ran khiến cho không khí trong lầu rộn rã. Sức sống của thiên nhiên như hòa chung với sức sống của con người. Qua cảm nhận của tác giả, bức tranh thiên nhiên ngày hè hiện lên thật sống động. Nó có sự hài hòa giữa đường nét và màu sắc, âm thanh. Hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống của con người. Cảnh được đón nhận từ gần đến xa, từ cao đến thấp. Cấu trúc ý tứ thơ đăng đối vô cùng hài hòa. Trong bài Tự thán 4, Nguyễn Trãi tự nhận: “Non nước cùng ta đà có duyên”, thi nhân đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh: thời chiến, thời bình, lúc buồn, lúc vui, lúc bận rộn, khi thư nhàn. Nguyễn Trãi luôn căng mở mọi giác quan, rộng mở tâm hồn đề đón nhận mọi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người.
Bài thơ không chỉ đơn thuần miêu tả về khung cảnh thiên nhiên, con người trong tiết trời mùa hè mà đó còn là những tâm tư, nỗi lòng mong muốn của nhà thơ dành cho nhân dân. Hai câu kết của bài chính là tấm lòng yêu thương nhân dân của ông. Như chúng ta đều biết Nguyễn Trãi là một người thân không nhàn mà tâm cũng không nhàn. Ngay trong chính lúc nghỉ ngơi ông cũng không ngừng suy nghĩ lo cho dân, vì dân:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương.
Đó là một ước mong, khát vọng cao đẹp về một cuộc sống thái bình, hạnh phúc, ấm no cho muôn dân. Câu thơ cuối tuy chỉ có 6 tiếng ngắn gọn nhưng lại là câu thơ dồn nén cảm xúc của cả bài. Tứ thơ vận động từ bức tranh thiên nhiên đến bức tranh cuộc sống của con người rồi kết tụ lại ở khát vọng của nhà thơ. Qua khát vọng này ta nhận thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi đó chính là tư tưởng nhân nghĩa – điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai – là lí tưởng hoài bão một đời ôm ấp, canh cánh bên lòng của Nguyễn Trãi.
Bài thơ Cảnh ngày hè với ngôn ngữ giản dị nhưng lại giàu sức biểu cảm, hình ảnh thơ gần gũi đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc. Qua bài thơ này ta càng thêm yêu quý và cảm phục tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi.
Họa Tâm
Từ khóa tìm kiếm:
cảm nhận bài thơ cảnh ngày hè
cam nhan bài thơ cảnh ngày hè
cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên con người cảnh ngày hè
cảm nhận về bài thơ cảnh ngày hè
cảm của em về bài thơ cảnh ngày hè
Cảm nhận của em về bài thơ cảnh ngày hè