Đề bài: Nỗi nhớ cảnh và người Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng
Bài làm
1. Đặt vấn đề:
Nhà thơ Chế Lan Viên từng để tâm hồn thăng hoa trong những lời thơ sâu sắc: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Trong cuộc đời mỗi người từng gắn bó với nhiều mảnh đất. Mỗi mảnh đất ta qua đều trở thành dấu ấn, trở thành những kỉ niệm khó quên. Nhà thơ Quang Dũng cũng đã từng trải qua cảm xúc ấy. Nỗi nhớ của ông về những năm tháng kháng chiến, về những kỉ niệm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc đã được ghi lại chân thực trong bài thơ Tây Tiến. Ở đó, có những kỉ niệm hiện lên đẹp đẽ, lung linh hơn bao giờ hết:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
2. Giải quyết vấn đề:
Nếu khổ thơ thứ nhất là nỗi nhớ chơi vơi về mảnh đất miền Tây thì đến đây, nỗi nhớ lắng đọng trong đêm hội đuốc hoa đậm đà tình nghĩa và trong kí ức về con người Châu Mộc. Đọc Tây Tiến, tôi thấy toàn bài thơ là tiếng nói bổi hồi, tha thiết trong nỗi nhớ của tâm hồn. Nỗi nhớ chơi vơi, dàn trải vô định. Nỗi nhớ như từng đợt sóng, khi ào ạt. khi lặng lẽ xô vào lòng người: nhớ từ cảnh thiên nhiên hùng vĩ với dốc cao, vực sâu, thác ngàn dữ dội, nhớ đến cảnh thiên nhiên mĩ lệ, trữ tình. Và ở khổ thơ này, nỗi nhớ của Quang Dũng đã in đậm trong đêm hội đuốc hoa đậm đà tình nghĩa cùng vẻ đẹp của những người dân nơi đây.
Mở đầu đoạn thơ là những kí ức của Quang Dũng về đêm lien hoan lửa trại đậm đà tình nghĩa:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Giữa những năm tháng gian nan của cuộc kháng chiến, những đêm lien hoan lửa trại giữa người lính và đồng bào Tây Bắc diễn ra đơn sơ nhưng đậm nghĩa, đậm tình. Thế nhưng với những người lính đang từng giây từng phút đối mặt với gian nan, thậm chí cả mất mát, hy sinh thì những đêm đơn sơ ấy lại trở thành buổi dạ tiệc huy hoàng “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”. Doanh trại bừng lên, cả núi rừng hoang vu, âm u bỗng chợt bừng sáng, tưởng như có hàng ngàn, hàng vạn ngọn đuốc đang bao phủ núi rừng. Cảnh vật bừng tỉnh, núi rừng bừng tỉnh bởi lung linh ánh sáng, rộn ràng âm thanh của tiếng khèn, tiếng hát, của tiếng nói, tiếng cười. Trong câu thơ, Quang Dũng sử dụng một từ cổ để diễn tả không khí của đêm trại – đuốc hoa. Đây là hình ảnh thường để chỉ ngọn nến được thắp lên trong phòng cưới đêm tân hôn, như Nguyễn Du xưa kia từng viết “Đuốc hoa chỉ thẹn với chàng mai xưa”. Hình ảnh xuất hiện trong câu thơ của Quang Dũng đã tạo nên màu sắc vừa trẻ trung, vừa hiện đại, vừa lãng mạn, vừa cổ kính, thiêng liêng, ấm áp nghĩa tình keo sơn gắn bó. Trên nền ánh sáng lung linh, rực rỡ, nổi bật lên dáng vẻ uyển chuyển, mềm mại của nàng sơn nữ “Kìa em xiêm áo tư bao giờ”. Ẩn sau những từ ngữ:kìa em, xiêm áo tự bao giờ là ánh mắt ngỡ ngàng, ngạc nhiên, vui sướng của những chàng lính trẻ. Họ say sưa, ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người thiếu nữ miền Tây trong trang phục lộng lẫy, trong bước đi uyển chuyển của những điệu múa làm say lòng người. Quang Dũng đã khéo miêu tả nét đẹp riêng của những nàng tiên nữ nơi núi rừng này. Những từ ngữ ấn tượng giàu sức gợi: “xiêm áo, man điệu” toát lên hương vị nơi xứ lạ, mang cái hồn riêng của miền sơn cước. Đối với những chàng trai của mảnh đất Hà Thành, đó là vẻ đẹp có sức quyến rũ kì lạ. Trong không khí tưng bừng náo nhiệt, trước vẻ đẹp huyền bí của người thiếu nữ Tây Bắc, tâm hồn người lính Tây Tiến dạt dào bao cảm xúc lãng mạn “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Các anh thả hồn mình theo tiếng nhạc. Lòng người xây bao mộng ước về ngày chiến thắng, mơ về ngày mai tươi sáng, mơ về những phút giây được cùng đồng bào Viên Chăn nắm tay vui múa trong ngày thắng lợi. Vì thế, dòng thơ được thi sĩ sử dụng thanh bằng, tựa như âm điệu xao suyến, âm vang. Bốn câu thơ đem lại cho lòng người ấn tượng khó phai, không chỉ bằng tình thơ lãng mạn mà còn bằng cách dùng từ rất duyên dáng của Quang Dũng: “đuốc hoa, xiêm áo, man điệu, e ấp”. Tất cả tạo cho thơ Quang Dũng dấu ấn của một phong cách riêng: hào hoa, lãng mạn, tinh tế và chân thực vô cùng.
Bên cạnh kỉ niệm về đêm liên hoan đậm đà tình nghĩa, ấn tượng để lại sâu sắc trong lòng Quang Dũng còn là cảnh song nước miền Tây:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Trong suốt bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng gửi hồn mình vào từng mảnh đất, nơi đoàn quân đã đi qua. Mỗi địa danh mang một dáng vẻ, một nét riêng in sâu trong kí ức của nhà thơ. Nhớ từ dòng sông Mã, nhớ đến vùng đất Sài Khao, nhớ đến vùng Mường Lát ngạt ngào hoa rừng, nhớ từ thanh âm cọp true người trên mảnh đất Mường Hịch nhớ đến cơn mưa rừng giăng giăng trên lưng núi Pha Luông. Mỗi mảnh đất là một kỉ niệm, một dấu ấn khó quên. Để rồi trong đoạn thơ này, hồn thơ Quang Dũng lắng chìm trong vùng quê Châu Mộc vào một buổi chiều sương – gợi nên chất thơ riêng của miền rừng núi. Khi chiều buông xuống, cả đất trời chìm trong màn sương khói mờ ảo, lãng đãng. Màn sương giăng bồng bềnh trong không gian, bao trùm mọi cảnh vật. Giữa khung cảnh ấy, Quang Dũng đặc tả vẻ đẹp của dòng sông giữa chiều sương ” Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”. Người lính bắt gặp cái thần của cảnh nơi rừng biên giới là ở bạt ngàn hoa lau trắng. Những bông lau phớt phơ trong chiều sương ẩn trong tất cả sự hoang sơ, tính lặng và yên ả của cảnh sắc nơi đây. “Cảnh bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “Cảnh hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích ngày xưa”. Lau biên giới không chỉ xôn xao trong nỗi niềm thơ Quang Dũng mà sắc trắng tinh khôi, mềm mại đó từng rung động biết bao trái tim người thi sĩ “Ai lên biên giới theo lòng ta theo với / Thăm ngàn lau chỉ đứng có một mình / Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi / Suốt một đời cùng với gió giao tranh” (Lau biên giới – Chế Lan Viên). Có điều, trong câu thơ của mình, Quang Dũng không dùng từ ngàn lau, bãi lau mà là “hồn lau”. Nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp của cảnh không chỉ bằng trực quan của mình mà bằng cả thế giới tâm linh để rồi nắm bắt được cả cái hồn của thiên nhiên sông núi phảng phất trong buổi chiều sương. Cách diễn đạt đem đến cho không gian thơ một ấn tượng mơ hồ, nhạt nhòa, vừa gây cảm giác lâng lâng bềnh bồng như chính tâm hồn con người chơi vơi theo từng cảnh vật. Đồng thời chỉ với từ “hồn lau”, nhà thơ đã làm sống dậy vẻ đẹp thiêng liêng của sông nước nơi này. Hồn lau – hồn của cảnh hay cũng gợi lên hồn người cảm giác bang khuâng, nao nao buồn. Dù cho cuộc chiến có nhiều gian khổ, dù hằng ngày phải cận kề với những hy sinh nhưng chẳng thể khiến tâm hồn người lính trở nên chai sạn. Các anh vẫn xôn xao cảm xúc trước một buổi chiều sương, vẫn rung động tâm hồn trước vẻ đẹp hoang sơ của lau biên giới, vẫn nôn nao cảm xúc trước vẻ đẹp của một cành hoa bé nhỏ trên dòng sông. Tất cả làm nên vẻ đẹp lãng mạn, tinh tế trong tâm hồn người lính.
Khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng và hoang sơ làm nền cho sự xuất hiện của con người Tây Bắc “Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Quả là minh chứng về bút pháp thi trung hữu họa! Hai dòng thơ tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Hình ảnh thơ từng gợi nhiều hướng cảm nhận khác nhau. Song có lẽ cảm xúc mà Quang Dũng muốn tô đậm nhất vẫn là vẻ đẹp của con người Tây Bắc và nét đẹp trong tâm hồn của người lính Tây Tiến. Dưới con mắt của các anh, dòng sông hiển hiện trong sự dữ dằn của mùa nước lũ. Cái dữ dội, cái âm thanh gầm gào, cuồn cuộn như chất chứa tất cả vẻ khắc nghiệt của thiên nhiên nơi này. Trên dòng nước cuồn cuộn trôi, hình ảnh con người nổi bật trên chiếc thuyền độc mộc giữa mênh mang sông nước. “Có nhớ dáng người trên độc mộc” – con người trở thành trung tâm của bức tranh. Nhưng ở đây, nhà thơ chỉ viết “dáng người”, nhà thơ không chú trọng ngoại hình mà đặc biệt tô đậm sức sống tâm hồn, ý chí dẻo dai, phi thường của con người khi đối diện với thiên nhiên dữ dội. Đọc câu thơ, tôi mường tượng hình ảnh bé nhỏ, mảnh mai của con người trên con thuyền đang lao nhanh giữa dòng nước lũ. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên chẳng thể nào khuất phục con người. Dáng vẻ của con người duyên dáng, mảnh mai, dẻo dai và kiêu hãnh vô cùng. Nét đẹp của họ lồng lộng trong tư thế làm chủ giữa mien man sông nước. Dòng sông càng dữ dội bao nhiêu, dáng người trên chiếc thuyền độc mộc lại càng đem đến cho tôi cảm giác than phục và gợi nhiều cảm xúc bấy nhiêu.
Tôn lên vẻ đẹp của con người là hình ảnh “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Không phải là nhành hoa trôi nổi bị cuốn theo dòng nước mà là nhành hoa bé nhỏ vẫn tồn tại, vẫn cố bám trụ trong dòng nước cuồn cuộn trôi. Thủ pháp tương phản đã được vận dụng triệt để. Ngôn ngữ tạo hình “đong đưa” được Quang Dũng vận dụng vừa gợi hình vừa gợi cảm: gợi dáng vẻ ngả nghiêng không được vững vàng nhưng vẫn không bị cuốn trôi. Cũng xuất phát từ hai chữ “đong đưa” khiến tâm hồn tôi lien tưởng: Nhành hoa nghiêng ngả, lả lướt, tình tứ đong đưa như muốn làm duyên bên dòng nước lũ. Cảnh gợi tả vô cùng! Một vẻ đẹp mềm mại nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Như thế, hoa là hình ảnh ẩn dụ, tô đậm cho nét đẹp của con người. Thiên nhiên nơi đây cũng như con người vậy, ẩn giấu vẻ đẹp huyền bí vô cùng. Nó hấp dẫn, lôi cuốn tâm hồn chàng lính trẻ, đem lại cho anh những cảm nhận tinh tế, lãng mạn và đầy chất thơ. Góp phần khắc họa vẻ đẹp mơ màng của cảnh sắc nơi đây còn là giọng thơ của thi sĩ. Quang Dũng vận dụng lien tiếp các điệp từ “có nhớ, có thấy” ở đầu hai câu thơ đem lại cảm giác nỗi nhớ thi nhau ùa về, khơi gợi trong lòng người ấn tượng khó quên về cảnh sắc thiên nhiên. Điệp khúc “có nhớ, có thấy” kết hợp với từ láy “độc mộc, đong đưa” cùng cách diễn đạt “hồn lau” đem lại cho 4 câu thơ âm điệu ngân nga như hát. Đọc đoạn thơ, tôi thấy mình như lạc vào cõi mơ của một bức tranh thủy mặc, lạc vào khung cảnh chiều sương, chiều mơ, chiều thơ và chiều họa. Hơn bao giờ hết, chất thơ và chất họa đã hòa trong nhau để làm nên thế giới nhạc và hình nên thơ như chính dòng cảm xúc say sưa trong tâm hồn thi sĩ. Có biết bao buổi chiều sương đã di vào thơ ca, đã biết bao cảnh dòng sông đắm mình trong sương được dệt nên bởi thế giới ngôn từ. Quả thật, ai đó đã rất có lý khi cho rằng “Trong thơ Quang Dũng, ta bắt gặp 1 nhạc sĩ, 1 họa sĩ, con người nào cũng thật lãng mạn, hào hoa”.
Trong đoạn thơ, Quang Dũng đã khám phá và thể hiện được chiều sâu vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến. Đằng sau cảnh sông nước miền Tây đẹp như bức họa thời tiền sử, đằng sau nét đẹp con người Tây Bắc là những rung cảm tinh tế trong tâm hồn người lính Tây Tiến. Họ kiên cường trước những khó khắn, gian khổ, kiên dũng, bất khuất, oai nghiêm trước quân thù. Nhưng trong tâm hồn họ, vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm trẻ trung, thơ mộng.
Đọc xong những ý thơ mà tôi có cảm giác vẻ đẹp của thiên nhiên, con người miền Tây còn chập chờn, mien man đâu đó. Quả thật bằng tình cảm sâu đậm của mình với mảnh đất này, Quang Dũng đã tạo nên mối tơ tình đồng điệu, gắn bó giữa độc giả với nhà thơ, giữa độc giả với thiên nhiên, con người miền Tây trong những năm tháng kháng chiến gian nan. Quả là ” Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy / Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.