Những Bài Hát Nổi Tiếng Về Mùa Đông

‘Người tình mùa đông’, ‘Em ơi Hà Nội phố’ hay ‘Mùa đông sẽ qua’ đều là những nhạc phẩm nổi tiếng làm ấm lòng người nghe trong những ngày đông giá rét.

Được viết lời Việt từ một ca khúc của nữ ca sĩ Nhật Bản – Miyuki Nakajima, Người tình mùa đông xuất hiện lần đầu tiên vào mùa Giáng sinh năm 1994. Đây cũng là bài hát đem lại tên tuổi cho nữ ca sĩ Như Quỳnh trong làng nhạc hải ngoại, cho đến nay vẫn là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của cô. Người tình mùa đông với giai điệu trong trẻo, dễ thương đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả yêu nhạc Việt Nam ở đủ lứa tuổi khi ấy.

Trong những năm 1990, nhiều bé gái còn hay bắt chước phong cách tết tóc buộc nơ đỏ và đội mũ nồi của Như Quỳnh. Người tình mùa đông mang tới những cảm xúc thơ ngây, lãng mạn về lời tâm sự của một cô gái trẻ dành cho người yêu giữa khung cảnh cô đơn dưới trời mưa buốt giá. Đến nay, sau gần 20 năm, hình ảnh Như Quỳnh với vẻ đẹp trong sáng vừa đứng nhún nhảy vừa hát Người tình mùa đông trong băng video ngày nào vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc đối với nhiều thế hệ.

“…Mùa đông sắp đến trong thành phố Buổi chiều trời lạnh, Heo may từng cơn gió Bước chân về căn gác nhỏ Nhìn xuống công viên…”

Bài hát của nhạc sĩ Đức Huy mang đến những nỗi niềm thổn thức, da diết qua sự thể hiện của nữ ca sĩ bạc mệnh Ngọc Lan. Khi cơn gió heo may tràn về, những chiếc lá úa vàng rơi rụng trên con đường vắng, cái lạnh tê tái của mùa đông trùm lên cả thành phố. Cô gái trong bài hát muốn mượn sự băng giá của mùa đông để diễn tả nỗi tương tư của mình về tình yêu đã đi qua mà chẳng thể níu giữ, chỉ còn lại đó những tiếc nuối.

“Cho em yêu anh thêm một lần nữa, rồi mai giã từ” – câu hát như xoáy sâu vào tâm sự buồn của cô gái và khiến mùa đông thêm phần lạnh lẽo hơn. Khánh Hà và Lê Hiếu cũng từng thể hiện Mùa đông sắp đến trong thành phố nhưng phiên bản để lại nhiều dấu ấn hơn cả là của Ngọc Lan. Phần video của ca khúc này cũng có những hình ảnh tuyệt đẹp của giọng ca bạc mệnh được ghi hình ở California năm xưa trong những ngày cuối thu, đầu đông.

“…Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông Mảnh trăng mồ côi mùa đông Mùa đông năm ấy, Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân?…”

Những hình ảnh đẹp nhất về mùa đông Hà Nội đã được nhạc sĩ Phú Quang đưa vào ca khúc Em ơi Hà Nội phố, phổ từ bài thơ Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ. Khi những giai điệu ấy được cất lên, người nghe tìm thấy trong Hà Nội một sự hoài cổ, cũ kĩ, với một nỗi buồn man mác nhưng vẫn có cảm giác bình yên đến lạ lùng. Rất nhiều ca sĩ, từ Cẩm Vân, Thanh Lam cho tới Hồng Nhung, Bằng Kiều đều từng thể hiện thành công nhạc phẩm này.

Mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố được kể bằng những hình ảnh thân thương – mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, cây bàng mồ côi, hàng phố cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, màu xanh thời gian… Bài thơ Hà Nội phố được sáng tác vào mùa đông năm 1972 khi miền Bắc đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh nên có một hình ảnh mang đầy tính ước lệ – “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Với Em ơi Hà Nội phố, người nghe như bất chợt được đi qua một con phố nhỏ và trở về với những kỷ niệm của “mùa đông năm ấy”.

“…Bước cùng với nhau, dưới cơn mưa… phùn rất lâu Tôi nhìn em, em đỏ mặt Em không nói khiến cho lòng tôi bồi hồi Trong ngần mắt em thấy long lanh muôn ngàn tuyết rơi Một mùa đông, em đứng đó Một mùa đông êm đềm…”

Là một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng (biệt danh: NhocTen), Cô bé mùa đông ra đời vào giữa những năm 2000 và nhanh chóng được khán giả trẻ trong lứa tuổi 8x và 9x yêu mến. Khung cảnh trong bài hát mang một màu trắng long lanh đầy lãng mạn với cảm xúc bâng khuâng của chàng trai khi nhớ về “cô bé đáng yêu của tôi”. Lời thủ thỉ, tâm tình của chàng trai ấy gợi lên một mùa đông đầy êm đềm và ấm áp.

Phiên bản đầu tiên do chính tác giả Phạm Toàn Thắng thể hiện từng gây sốt trên cộng đồng mạng nhưng sau đó, Đăng Khôi và Thủy Tiên là hai giọng ca giúp bài hát này được phổ cập rộng rãi hơn. Giai điệu ngọt ngào, dễ nghe và lời ca đánh trúng vào tâm lý tuổi teen dù ở thời kỳ nào là những yếu tố khiến Cô bé mùa đông sau gần 10 năm vẫn là một trong những bài hát về mùa lạnh giá được giới trẻ Việt Nam yêu thích.

Mùa đông đến cùng những cơn gió lạnh, những hàng cây vắng tanh, tiếng mưa phùn rơi và đem theo cả những ký ức buồn về tình yêu. Trong một ngày mùa đông vắng lặng, chàng trai trong bài hát nhớ về người yêu và chợt nhận ra tình cảm của mình quá mãnh liệt. Tuy nhiên, tình cảm xưa kia giờ chỉ còn là “bờ cỏ này giọt sương đã tan, bậc thềm này còn in dấu chân”.

Chàng trai ấy chờ đợi mãi để rồi xót xa: “Giờ đây anh biết anh biết đã mất em rồi đấy, ngày mùa đông đến nghe tiếng xa vắng mưa phùn rơi”. Nếu như tình yêu ở mùa xuân là những e ấp, ngượng ngùng của một mối tình chớm nở, mùa hè thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, mùa thu là tình yêu ngọt ngào, dịu êm thì mùa đông lại thường gắn với những tâm sự buồn đau. Bằng Kiều, Lê Hiếu hay Tuấn Hưng đều là những giọng ca nam đem tới cho Một ngày mùa đông những sắc màu riêng biệt.

Ra đời từ năm 1940, Đêm đông là bản nhạc tiền chiến bất hủ của Nguyễn Văn Thương – nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, Nguyễn Văn Thương đã mang cảm xúc của mình vào bài hát để thể hiện lòng nhân ái trước những mảnh đời vất vả và bất hạnh trong chiến tranh.

Lời ca của Đêm đông mang đầy chất thơ với những hình ảnh như “thân lãng du cô liêu chán chường” hay “sầu lên khơi hồn quê lai láng”. Tiếng hát đầy ma mị của cố NSND Lê Dung mang tới cảm xúc thiêng liêng mà người nhạc sĩ muốn thể hiện trong ca khúc này. Những phiên bản của hai giọng ca hải ngoại Khánh Ly và Lệ Thu cũng rất nổi tiếng.

Nếu như mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố gợi lên sự hoài niệm thì trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là nỗi nhớ bâng khuâng. Bài hát được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn vẽ nên một Hà Nội thật gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Nỗi nhớ phảng phất qua từng câu hát miên man: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây”.

Đó là nỗi nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ gắn với con đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên hiện nay) với nhịp sống chầm chậm cùng những cơn mưa rào bất chợt. Chính vì thế, khi thiếu đi những cơn mưa ấy, nỗi nhớ lại trào dâng với bao tâm sự không thể nói thành lời của người nghệ sĩ. Hai phiên bản Hà Nội mùa vắng những cơn mưa quen thuộc và được nhiều người yêu thích nhất là của Cẩm Vân và Tuấn Ngọc.

Bài hát kinh điển về mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang mỗi lần vang lên lại đem tới cho người nghe một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận. Những cơn gió mùa đông bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng đều là những hình ảnh gợi lên “nỗi nhớ mùa đông”.

Câu hát da diết “Làm sao về được mùa đông” như lời của tác giả thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải “thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”. Có rất nhiều giọng ca thể hiện Nỗi nhớ mùa đông theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng nỗi nhớ khắc khoải, mãnh liệt nhất dường như vẫn là trong phiên bản của ca sĩ Thu Phương, trích từ album Đêm nằm mơ phố.

“…Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi Để trắng lối em anh về Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi Để em biết anh cần em Và thời gian ơi xin hãy ngừng chốn đây Để những dấu yêu đong đầy…”

Nơi tình yêu yêu bắt đầu được nhạc sĩ Tiến Minh viết riêng cho phim truyền hình Siêu thị tình yêu từ năm 2009. Nhưng trong một năm trở lại đây, bài hát này tạo cơn sốt mạnh mẽ trong cộng đồng người yêu nhạc Việt Nam sau phần thể hiện của Lam Anh – Bằng Kiều trong chương trình Paris by Night hay của Bùi Anh Tuấn thi trong vòng Giấu mặt Giọng hát Việt.

Giai điệu trữ tình của bài hát khiến người nghe dễ “cảm” ngay từ những giây đầu tiên. Bài hát nói về một chuyện tình nảy nở vào mùa đông với “giấc mơ là nơi bắt đầu”. Chàng trai, cô gái trong Nơi tình yêu bắt đầu mượn hình ảnh tuyết trắng của mùa đông để thể hiện cho những “dấu yêu đong đầy”. Tình yêu nào cũng có điểm bắt đầu và sự bắt đầu thường ngọt ngào, lãng mạn và ấm áp hơn giữa bối cảnh mùa đông lạnh giá.

Bên cạnh nỗi nhớ và sự trống vắng, mùa đông còn là mùa của quên lãng. Điều này đã được nhạc sĩ Huy Tuấn thể hiện trong bài hát Mùa đông sẽ qua, qua giọng ca của Mỹ Linh. Ca khúc này cũng từng giúp Uyên Linh gây ấn tượng trong cuộc thi Vietnam Idol 2010. Giai điệu dịu dàng của Mùa đông sẽ qua giống như một ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm cho những tâm hồn đang thổn thức vì tình yêu giữa cái giá lạnh của gió Bấc, mưa phùn.

Tình yêu đôi khi lại là sự xa cách lạnh lùng, nhưng những ký ức yêu thương trong ngày giá rét lại khiến ta nhớ mãi. Mùa đông không biết hát tình ca, cũng chẳng biết sưởi ấm đôi tay đang tê cóng vì lạnh và ai cũng chỉ muốn nó trôi đi thật nhanh. Thế nhưng khi mưa phùn gió bấc đi qua thì ta lại mong đợi một mùa đông mới về để được trải nghiệm cái giá rét trong tâm hồn thêm lần nữa, cho những yêu thương vỡ òa trong từng cung bậc cảm xúc.

Đào Thị Nhung @ 18:25 16/12/2012 Số lượt xem: 1303

Những Ca Khúc Phổ Thơ Nổi Tiếng

Nghe bài này

Trong một bút ký của mình, thi sĩ Xuân Diệu từng viết: “Trong thơ đã có tính nhạc, vì tính nhạc là hồn thơ, thơ mà không có tính nhạc chỉ là hững con chữ sắp vội vã và có mục đích của một người biết đánh máy.”

Vâng có lẽ cũng vì sự kết hợp diệu kỳ giữa thơ và nhạc mà trong muôn vàn nhạc phẩm để đời, chúng ta có những ca khúc phổ thơ mà nếu không biết, thì ai cũng cho rằng đó là sản phẩm chỉ của người nhạc sĩ mà không biết rằng ca từ và lời hát lại là đứa con tinh thần của một nhà thơ khác. Và chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi xin được cùng quý vị điểm lại một số nhạc phẩm phổ thơ nổi tiếng của Việt Nam

Quê Hương

Ca khúc Quê Hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ Trung Quân. Hẳn người Việt Nam nào cũng biết những giai điệu ngọt ngào và lời ca chan chứa tình cảm đất mẹ trong ca khúc Quê Hương và không khỏi thán phục bởi chỉ bằng những câu chữ rất giản dị, nhưng qua ý nhạc và giai điệu, mà Việt Nam đã có một bài hát bất tử đến như vậy.

Trong kho tàng thơ ca Việt Nam có quá nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng không phải công chúng đều biết đến chúng, chỉ cho đến khi nó được phổ nhạc, trở thành một ca khúc thì bài thơ ấy mới được đông đảo người nghe biết đến, có lẽ ai đó đã nói rất đúng “Thơ khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ, và Nhạc đã chắp cánh cho Thơ.”

Quê hương là chùm khế ngọt … – Câu thơ đầu trong bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” cùa nhà thơ Đỗ Trung Quân. Photo courtesy of chúng tôi

Trong kho tàng thơ ca Việt Nam có quá nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng không phải công chúng đều biết đến chúng, chỉ cho đến khi nó được phổ nhạc, trở thành một ca khúc thì bài thơ ấy mới được đông đảo người nghe biết đến

Theo lời nhạc sĩ Đăng Khánh được thi sĩ Du Tử Lê trích đăng trên website của mình có đoạn viết: “làm một bài thơ hay đã khó, làm một bản nhạc hay cũng khó không kém. Nhưng phổ nhạc một bài thơ “cho hay” lại còn khó hơn nữa” và ông tự trả lời cho câu hỏi mình đặt ra “tại sao người ta phổ nhạc một bài thơ?” Theo nhạc sĩ Đăng Khánh thứ nhất do bài thơ quá hay làm choáng váng nhạc sĩ, thứ hai, bài thơ mới đọc qua đã thấy như đang nghe một bản nhạc, thứ ba, nhạc sĩ được “đặt hàng” để phổ nhạc cho một bài thơ, ngoài ra, cũng có thể là tình bạn giữa người làm thơ và làm nhạc và lý do cuối cùng cũng có thể do nhạc sĩ “hơi nghèo” chữ nghĩa để làm lời ca cho bản nhạc và chủ để mình muốn viết.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì những bài hát phổ thơ được yêu mến cũng là một thành công lớn của cả người nghệ sĩ ghép đặt con chữ và kiến tạo âm thanh.

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng

Nhạc phẩm Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư với nguyên tác “Động Hoa Vàng” gồm 100 đoạn. Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất có số lượng bài hát được phổ thơ đồ sộ lên đến 300 bài, từ những bài đầu tiên như Cô Hái Mơ năm 1942 của Nguyễn Bính cho tới những bài cuối cùng như Bên Kia Sông Đuống của Hoàng Cầm năm 2010.

Trong số những nhạc phẩm nổi tiếng mà được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ có thể kể sơ qua: Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Kỷ Vật Cho Em, Thuyền Viễn Xứ, Tiếng Sáo Thiên Thai…

Nếu Phạm Duy là người biến những bài thơ thành bất hủ qua những khuông nhạc của mình, thì thi sĩ Du Tử Lê lại là một trong những người được nhiều nhạc sĩ phổ thơ của mình nhất. Trong một lần tâm sự trước đây với chúng tôi, ông cho biết ông có khoảng 300 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có nhiều tên tuổi lớn đã thấy cái đẹp trong thơ ông và xúc động phổ nhạc, chẳng hạn, Phạm Duy, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Song Ngọc, Phạm Đình Chương… Những tác phẩm nổi tiếng phổ thơ ông như: Giữ Đời Cho Nhau, Ca Khúc Của Lê, Ơn Em và đặc biệt là Khúc Thụy Du.

Làm một bài thơ hay đã khó, làm một bản nhạc hay cũng khó không kém. Nhưng phổ nhạc một bài thơ “cho hay” lại còn khó hơn nữa

thi sĩ Du Tử Lê

Khúc Thụy Du

(Chỉ gói gọn trong hơn 10 phút của chương trình phát thanh cho phép) Chúng tôi biết chắc không thể đủ để dù chỉ là điểm sơ những tác phẩm thành danh, nhưng qua đây cũng xin được nhắc đến một số tác phẩm đã trở thành bất hủ như: Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc tặng người bạn họa sĩ Trịnh Cung, Trúc Đào của Nguyễn Tất Nhiên được Anh Bằng phổ nhạc, Nhà Tôi của Yên Thao được Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Giàn Thiên Lý, Hoa Tím Ngày Xưa của Cao Vũ Huy Miên được Hữu Xuân phổ nhạc,

Mùa Thu Cho Em của Thụy Anh và Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa cùng do Ngô Thụy Miên phổ nhạc, Chị Tôi thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc Trọng Đài, ngoài ra, là nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác như những bài thơ của Xuân Quỳnh như Thuyền Và Biển, Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật hay Chút Tình Đầu của Đỗ Trung Quân được Vũ Hoàng phổ nhạc thành Phượng Hồng.

Nhạc phẩm Tháng Sáu Trời Mưa, thơ Nguyên Sa do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc đã lắng dịu chúng ta trong không khí oi ả của những ngày hè ngột ngạt, bằng những cơn mưa mát lạnh tháng Sáu, để được đắm mình ngắm nhìn vẻ đẹp của người thiếu nữ đôi mươi.

Mãn Giác Và Bài Thơ Thiền Nổi Tiếng Của Ông

Mãn Giác và bài thơ thiền nổi tiếng của ông

Thân phụ Mãn giác là Lý Hoài Tố, từng làm đến chức Trung thư ngoại lang dưới hai triều Lý Thánh Tông (1051-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1128), và chắc là rất thông hiểu chữ nghĩa, vì đã được Triều đình cử làm Chánh sứ trong đoàn sứ bộ Việt Nam đi sang Trung Quốc vào năm 1073 để báo tin Lý Thánh Tông mất. Thế nhưng, mặc dù xuất thân trong một gia đình như vậy, và mặc dù cậu bé Lý Trường được vua Lý Nhân Tông rất mực sủng ái, cho vào cung học tập từ nhỏ, lại đặt tên cho là Hoài Tín, Lý Trường vẫn không đi theo con đường của cha. Ông không trở thành một người cận thần của nhà vua mà tự chọn lấy con đường mình thích: rèn luyện kiến thức Phật giáo và Nho giáo đến mức uyên bác, rồi kế thừa tâm ấn của Thiền sư Quảng Trí ở chùa quán Đính, núi Không Lộ, đi vân du khắp nơi, trở thành một vị Thiền sư tên tuổi, có rất đông học trò, được tôn là người tiêu biểu cho thế hệ thứ tám, dòng Thiền Quan bích.

Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Mãn Giác chỉ để lại một tác phẩm duy nhất, nhưng cũng là một tác phẩm độc đáo của nền văn học thời Lý còn lại đến nay. Đó là bài kệ có tính cách di chúc viết dặn lại học trò trước lúc mất, một bài thơ đã gây cho rất nhiều thế hệ bạn đọc trong gần chín thế kỷ qua những cảm xúc trái ngược, và cho đến nay, sự tranh luận vẫn chưa phải đã ngã ngũ.

Bài kệ như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc,Xuân đáo bách hoa khai.Sự trục nhãn tiền quá,Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!

Mỗi năm khi mùa xuân qua đi, trăm hoa đều rơi rụng,Nhưng mỗi năm mùa xuân lại tới và trăm hoa lại nở.Sự việc đuổi nhau qua trước mắt,Cái già sồng sộc tới trên đầu,Tuy nhiên, chớ bảo rằng xuân tàn hoa rụng hết,Đêm qua đây thôi, trước sân, một nhành mai lại nở.

Có thể nói, không ai là không có một ấn tượng mạnh mẽ, một sự xao xuyến với tất cả tâm linh, khi đọc bài thơ. Nhưng cắt nghĩa sự xao xuyến đó như thế nào thì mỗi người một khác. Bảo rằng người đọc bị bài thơ của Mãn Giác chinh phục là vì bằng tâm thức nghiệm sinh mà mỗi người vẫn có, chúng ta lĩnh hội được trong bài thơ đó những phát hiện tinh vi của tác giả về cái quy luật tiến hóa của sự sống vẫn diễn ra không ngừng, nghe cũng thật có lý. Nhưng bảo rằng người đọc rung động chỉ vì bị cấu trúc nghệ thuật của bài thơ đánh lừa, vì tác giả khéo hình tượng hóa thời gian và đời người bằng hai đại lượng rất giàu thi hứng là xuân và hoa, lại khéo đặt chúng trong mối quan hệ vừa thuận chiều, vừa có vẻ như tương phản, chứ bản thân cách lý giải sự tiến hóa của sự sống trong bài thơ chưa có gì vượt khỏi quan điểm tuần hoàn, hình như cũng không phải là sai.

Vậy thực chất bài thơ là như thế nào?

Chắc chắn chúng ta đều nhất trí với nhau: đây là một tác phẩm giải thích về cái sinh cái tử. Cái sinh cái tử là thông thường, đời người có sinh ra, có già đi, và có chết, cũng là chuyện thông thường. Bốn câu đầu rõ ràng nói lên ý đó, cũng tức là làm cho người đọc hiểu và cảm thông một cách thanh thản với tác giả, khi tác giả đang trên giường bệnh, đang ở điểm mút cuối của cái hiện kiếp của mình. Sự cảm thông này dĩ nhiên buộc phải dựa trên triết lý tuần hoàn của nhà Phật. Vũ trụ này là tuần hoàn, là vĩnh viễn sinh sinh hóa theo luật nhân quả, và người đời – sắc thân mà mỗi con người mang lấy, do nghiệp của kiếp trước chuyển hóa mà có, cũng chỉ là một trong những hình thức biểu hiện lẽ tuần hoàn của vũ trụ, nó là sự biến diệt không tránh khỏi và không trừ một vật gì ở trên đời này:

Xuân ruổi, trăm hoa rụng,Xuân tới, trăm hoa cười.Trước mắt, việc đi mãi,Trên đầu già đến rồi… (2)

Chấp nhận lẽ tuần hoàn, để đừng có những cuồng vọng về sự trường sinh bất tử của cá nhân, đừng bị lục tặc (sáu tính xấu trong con người) hành hạ, làm cho tâm trở nên rối loạn – âu đó cũng là một biện pháp khai phóng tâm lý rất hay của người theo đạo Thiền, nó giúp người ta dẹp bớt đi bao nhiêu tham, sân, si, ái, ố dục vô ích, không những làm khổ mình còn làm khổ lây rất nhiều đồng loại khác nữa. Chỉ xét ở bình diện đầu tiên ấy, bài thơ cũng đã có một tác dụng cảnh tỉnh không nhỏ.

Tuy nhiên, chủ ý của bài thơ có lẽ lại không phải chỉ có chừng đó. Vấn đề là nếu vũ trụ này chỉ là tuần hoàn, mọi hiện tượng, sự vật đều phải qua quá trình vận động luẩn quẩn, lặp đi lặp lại, thì liệu kiếp người có trở nên vô nghĩa, và không còn chỗ nào để ta bám lấy mà tin vào sự trường tồn và phát triển của sự sống nhân loại nữa chăng? Đó chính là một điều băn khoăn thường có của thế nhân, không thể phút chốc dùng lý trí mà dẹp đi được. Và nếu bài thơ chỉ giải đáp được những điều vừa nói ở trên thì chắc chắn nó cũng chỉ mới như một sự áp đặt, bắt người đọc phải trượt trên một đường rãnh đã mòn trong tư duy – một thứ giả thuyết tuần hoàn có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa – chứ không thể gây được một xúc động bất ngờ, hứng thú, một đột biến thẩm mỹ có giá trị bền vững lâu dài trong nhiều thế kỷ nay, như chúng ta đã biết qua lịch sử bài thơ.

May thay, bài thơ còn có hai câu cuối. Và hai câu cuối như một phản đề, đã lật ngược lại, làm cho vấn đề tưởng chừng đã trọn vẹn theo lô-gich từ đầu của nó, thì lại bỗng bật ra những tia sáng không ngờ. Người làm thơ khuyên giải đồ đệ chấp nhận lẽ tuần hoàn. Nhưng biết rằng trong tâm hồn ưa chuộng sự hiện hữu của người đời, và có lẽ ngay trong chiều sâu của tâm tưởng ông, sự giải thích tuần hoàn vẫn chưa đủ để hoàn toàn thuyết phục. Người ta ghi nhận nó bằng lý trí, bằng niềm tin ở Đạo, bằng tâm thế chịu đựng là cùng lắm, chứ không phải bằng tất cả bản năng và xúc cảm sống. Và chính là từ trong các mối mâu thuẫn giằng xé, không tự ý thức được ấy, một ánh sáng của trực giác đã đột ngột bật ra trong tâm linh của vị Thiền sư họ Lý khiến cho trong phút chốc ông như được đốn ngộ. Ông vụt nói to lên cái chân lý vừa lóe hiện rực rỡ trong lòng:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một nhành mai (2).

Không! Tuần hoàn không phải là quy luật chi phối thế giới hiện hữu này! Mà thế giới này thực chất là sinh sôi nẩy nở. Ngay khi mà rất nhiều hiện tượng tưởng chừng như đều châu tuần vào cái vòng quay của tuần hoàn thì cũng vẫn có những hiện tượng nào đấy chống lại nó. Và đó mới là thực chất của sự sống, cái đặc thù đôi khi lại là biểu hiện của một cấp độ cao hơn của cái phổ biến.

Nghiêm túc mà xét, điều Mãn Giác nói với ta không có gì vượt khỏi nguyên lý của cái Đạo mà ông đeo đuổi. Bởi vì theo Phật giáo thì vũ trụ này dù hiển hiện ra dưới những sắc tướng mong manh đến thế nào, bản thể của nó vẫn là như như, là cái tâm thường trụ. Sắc tướng thì vô thường, biến diệt trong chớp mắt, nhưng bản thể vĩnh hằng của vũ trụ không bao giờ thay đổi. Vậy, nếu như người tu hành ngộ được điều đó, biết đồng nhất tâm thức của mình với cái Tâm bản thể, cái chân như bất sinh bất diệt của vũ trụ, thì có cái gì nằm trong thế giới lục trần – những thanh, sắc, hương, vị, xúc, pháp – lại có thể làm xao xuyến được tâm thức anh ta, làm cho anh ta rơi vào vòng luẩn quẩn của chúng sinh, mê muội trong mọi nỗi khổ trần thế và bị sự tuần hoàn câu thúc? Anh ta sẽ đạt đến trạng thái tĩnh lặng của cái Tâm, sẽ hồn nhiên như cây cỏ, sẽ tự mình hòa làm một với cái Tâm của vũ trụ, và sẽ cùng với vũ trụ trường tồn…

Đối với Thiền, giác ngộ ra được chân lý về sự trường sinh bất tử đó không bắt buộc phải trải qua một quá trình dài tu hành, trì giới, mà chỉ cần có một bước nhảy vọt trong chiều sâu của tri giác, nhờ vào một hiện tượng bên ngoài (một động tác giơ tay, một tiếng quát v.v…) mà lý trí thông thường không sao hiểu nổi. Có thể nói đó là một cuộc đảo lộn về trực giác, ở đó yếu tố cảm hứng, trạng thái xuất thần, đóng vai trò quan trọng. Cho nên, con người thấm nhuần Thiền đến độ như Mãn Giác đã không dài dòng lý giải mà chỉ dùng hình ảnh một nhành mai đột ngột nở bung ra sau một đêm cuối xuân – khi trăm hoa đã hoàn toàn rơi rụng – để làm biểu tượng cho sự ngộ đạo kỳ diệu này. Và đó không còn là tuần hoàn nữa. Tuần hoàn dừng lại trước ngưỡng cửa của hiện tượng nở bừng đó. Người tu hành đã đạt đến chân lý – anh ta đã trở thành Phật, tức là trường tồn cùng với bản thể của vũ trụ, trong một tâm thế hân hoan, lâng lâng, xuất thần:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một nhành mai

Đó là đứng về góc độ triết lý Thiền mà tiếp cận bài thơ. Song lại còn phải tiếp cận bài thơ ở một góc độ khác: góc độ của cảm xúc thực tiễn. Phần lớn người đọc xưa nay đều đến với bài thơ từ góc độ này. Cành mai nở bung ra chỉ trong một đêm cuối xuân chứng tỏ điều gì – nếu không là chứng tỏ cái ý nghĩa tiến hóa sâu xa vượt lên khỏi phạm vi tuần hoàn của sự sống? Và điều Mãn Giác khuyên học trò của mình là gì – nếu không là một lời khuyên ý nhị và tinh tế: hãy phát hiện cho được sự sống ở cái khía cạnh tiến hóa sâu xa và quan trọng ấy, chứ không phải là ở những biểu hiện thông tục lặp đi lặp lại, của lẽ tuần hoàn?

Có lẽ có người cho chúng tôi đã gán cho Mãn giác những điều nằm ngoài phạm vi hiểu biết và suy tưởng của nhà thơ. Mãn Giác, như chúng ta biết, trong cuộc đời là một người rất thực tiễn. Đặc biệt con người thực tiễn ấy chịu ảnh hưởng của vua Lý Nhân Tông – một nhân vật tiêu biểu cho võ công văn trị của nhà Lý – từ thuở nhỏ. Mà Lý Nhân Tông thì từng khuyên vị Thiền sư dòng dõi hoàng tộc này một câu chí lý, được Thiền uyển tập anh trân trọng ghi lại, mà chính Mãn Giác cũng ghi nhớ như một phương châm hành động trong suốt cuộc đời mình: Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời này tất phải tế độ chúng sinh. Không hạnh nào không đầy đủ, không việc gì không chăm lo. Chẳng những đắc lực về Thiền định mà cũng còn có công phò tá nước nhà nữa. Hãy nên kính cẩn gánh vác trách nhiệm đó (3).

Đủ thấy, con người Mãn Giác không hề xa lạ với hoạt động thực tiễn, cũng là người có con mắt tinh tường đáng kể, không bỏ qua dù chỉ là một hiện tượng nhỏ nhặt của cái đẹp của sự sống, vốn từ trong thực tiễn mà nẩy nở, kết tinh. Cho nên, hai câu cuối bài thơ không thể là cái gì khác, ngoài cái chân lý hiển nhiên về sức mạnh của sự sống, sự vận động biến hóa không ngừng của thế gian này, mà từ trong hoạt động thực tế của chính mình, Mãn Giác đã ngày càng hiểu dần ra và một lúc nào đó, chân lý sống kia đã hoàn toàn chiếm lĩnh cảm thức của ông, làm lay đảo quan điểm tuần hoàn của nhà thiền học trong ông, và làm cho ông đốn ngộ.

Để soi sáng thệm cho vấn đề mà chúng ta đang bàn luận, ta hãy nhìn sâu vào nhịp điệu, tiết tấu, vào thi pháp của bài thơ. Một điều rất lạ là bài thơ này không kết cấu một lèo theo thể thơ cùng kiểu câu 4 chữ, 5 chữ hay 7 chữ mà các bài kệ thời Lý – Trần thường dùng đến. Mà đây là sự kết hợp giữa thể thơ 5 chữ với thể thơ 7 chữ. Ở phần trên, phải diễn đạt sự tuần tự trôi chảy của thời gian, một chiều hướng tiến triển ngỡ như tuần hoàn, thì tác giả dùng thể thơ 5 chữ. Nhưng khi nhà thơ lật lại triết lý tuần hoàn, xác nhận sự sống không đều đều tiệm tiến như thường tục vẫn nghĩ, thì câu thơ 5 chữ đột nhiên kéo dài ra, chuyển sang thơ 7 chữ. Không phải chỉ có vậy. Nhịp điệu và tiết tấu của từng câu thơ còn đóng một vai trò quan trọng hơn. Bốn câu đầu, ngắt nhịp 2/3 đều đặn, phù hợp với nội dung nói đến lẽ tuần hoàn:

Xuân ruổi / trăm hoa rụng,Xuân tới / trăm hoa cười.Trước mắt / việc đi mãi,Trên đầu / già đến rồi.

Nhưng chuyển sang hai câu kết thúc thì khác. Đây là một mệnh đề đảo ngược, một mệnh đề cần có lượng thông báo mới, do đó tác giả đã cấu tạo hai cách ngắt nhịp khác nhau, khiến chúng biến hóa sinh động. Câu 7 thứ nhất là cả một mệnh đề y nguyên, không ngắt một nhịp nào cả, gây cho người ta cái cảm giác mạnh mẽ, lôi cuốn, về điều mà nhà thơ sắp thông báo:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Bao nhiêu dấu hỏi tại sao sẽ gợi lên trong trí chúng ta trước một mệnh đề chuyển chiết sừng sững như vậy. Và đó sẽ là một dấu nối để chuyển xuống câu 7 thứ hai cũng là câu thơ cuối cùng, là một thông điệp mới mẻ, với một sự ngắt nhịp trang trọng: hai nhịp hai mở đầu để tạo cảm giác chậm rãi, giúp người đọc tiếp cận từ từ với chân lý. Và một nhịp ba kết thúc, là sự hé mở đột ngột của chân lý, có tác dụng nói với người ta rằng: sự sống là vĩnh cửu, quy luật tiến hóa của sự sống là vĩnh cửu:

Đêm qua / sân trước / một nhành mai

Tưởng không cần luận giải kỹ càng hơn nữa cũng đủ thấy, hình tượng cành mai nở trong đêm cuối cùng của mùa xuân trong bài kệ tuyệt bút của Mãn Giác là một hình tượng bất hủ của thơ ca Thiền đời Lý. Lượng thông báo của hình tượng này quả là phong phú, đa nghĩa. Và Mãn Giác, nhà Thiền học, người sùng đạo, cũng đồng thời là một nhà thơ biết phát hiện cái ý vị đẹp đẽ, cái ý nghĩa thẩm mý quý giá của sự sống dài lâu của con người trên trái đất này.

(2) Ngô Tất Tố dịch.

(3) Thiền uyển tập anh. Quyển thượng; Đệ bát thế lục nhân, Mãn Giác đại sư. Nguyên văn: Chí nhân thị hiện tất vụ tế sinh, vô hành bất cụ, vô sự bất tu; phi duy định tuệ chi lực, diệc hữu tán tương chi công, nghi kính nhậm chi.

 Nguồn: chúng tôi (15/11/07)

Bài Thơ Tiếng Thu Của Lưu Trọng Lư

Như một phút chợt dừng trong trường tình phiêu lưu của Lưu Trọng Lư, “Tiếng thu” dội lên âm thanh day dứt của một thời xa xưa và còn vọng mãi đến bao giờ?

Xuất hiện giữa mùa hạ nóng bức và mùa đông lạnh lẽo, mùa thu mát dịu và mơ màng là nguồn cảm hứng bất tận của văn nhân, thi sĩ xưa nay. Viết Thu vịnh và Đây mùa thu tới, Nguyễn Khuyến và Xuân Diệu đã đóng góp cho văn học sử nước nhà hai bài thơ hay về cảnh thu và tình thu. Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư đã dọn cho mình một chỗ ngồi khá độc đáo trên văn đàn của những thi sĩ mùa thu:

Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô?

Chủ đề tiếng thu đã được nhà thơ thể hiện trước hết bằng từ ngữ. Xuyên suốt bài thơ là một từ ” nghe ” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì?

Chúng ta nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực”xào xạc ” trong rừng vắng. của người cô phụ có chồng đi đánh giặc xa, nghe tiếng lá thu rơi “

Chủ đề tiếng thu còn được tác giả diễn tả bằng thanh âm. Đó là hai câu thơ có toàn thanh bằng xuất hiện ở đầu khổ thơ thứ nhất và thứ ba: “Em không nghe rừng thu”

Trước cách mạng tháng Tám, trong khi câu thơ Đường và thơ lục bát với luật gián cách bằng trắc còn ngự trị trên văn đàn, Lưu Trọng Lư đã sáng tạo và độc đáo khi tự do viết những câu thơ ngũ ngôn có toàn thanh bằng để miêu tả tiếng thu.

Đọc những câu thơ này, cùng với sự hỗ trợ của nguyên âm “u” tròn môi xuất hiện nhiều lần ở cuối câu thơ, ta như nghe được tiếng thu êm đềm, nhẹ nhàng và vang vang của tác giả.

Cú pháp của bài thơ cũng góp phần biểu hiện tiếng thu. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

Thêm vào đó, cách gieo vần liền bằng các từ láy đặt ở cuối câu thơ đã liên kết các câu thơ trong khổ (” xào xạc” với ” ngơ ngác“) và các khổ trong bài (” thổn thức” và ” rạo rực “), vừa làm giàu yếu tố nhạc của thơ, vừa làm cho các câu thơ và khổ thơ như kéo dài ta và nối lại với nhau, tạo cho bài thơ cái âm hưởng miên man của khúc thu ca.

Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu của Lưu Trọng Lư, hãy đọc lại Tiếng Thu, đọc liền mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Hãy tưởng tượng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ. Nhiều vòng tròn sóng đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của tiếng thu mà nhà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người.

Hai dòng thơ cuối của Tiếng thu đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh:

“Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô”

Ta nghe gì khi nhìn thấy hình ảnh ấy? Có phải ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai ngơ ngác? Tiếng thu đích thực của Lưu Trọng Lư là như vậy đó. Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn, mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều và những đám mây bàng bạc trên không…

Tắt một lời, thu thanh của Lưu Trọng Lư là vô thanh. Đó là cái “vô thanh thắng hữu thanh” mà tác giả Tỳ Bà Hành là Bạch Cư Dị đã một lần khẳng định trong cảnh trăng nước tương giao trên bến Tầm Dương. Với nhận thức tinh tế của nhà thi sĩ, trong Đây mùa thu tới, Xuân Diệu đã cảm được cái tiếng thu ấy khi nhìn những “thiếu nữ buồn không nói”. Bằng trí tuệ của một nhà phê bình có biệt tài, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã “ngộ” được cái thu thanh ấy khi bình Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.

” Tiếng thu” ấy, riêng gì mùa thu mới có? Tuy nó phát khởi từ mùa thu nhưng nó đã vang bên tai loài người từ muôn đời thì bao giờ chả còn chút dư âm sau những ngày thu tàn tạ. Đã sống nhiều trong cuộc đời tư tưởng thì dầu trong mùa đông hay mùa xuân, mùa thu hay mùa hạ, ai là người không có những buổi ” chiều thu “, những buổi mà cái buồn vẩn vơ nó đến van lơn cám dỗ, những buổi mà tiếng thu vàng, gieo vừa nhẹ, vừa chìm…

Chùm Thơ Tạm Biệt Mùa Thu Hay, Thơ Tình Giao Mùa Thu

QUA NƠI HẸN CŨ – Thơ: Mạc Phương

Anh là người mà em lỡ yêu thương. Lỡ vấn vương nên mãi sầu mãi khổ. Mùa thu nào mưa cũng tràn lệ đổ. Để cả đời em vẫn khổ vì anh.

Khung trời xưa hôm nay vẫn trong xanh. Nơi hẹn cũ vắng bóng người yêu dấu. Dòng thời gian nỗi buồn sầu thẩm thấu. Mùa thu tàn em vẫn rất nhớ anh !

ĐÃ CUỐI THU RỒI EM CÓ NHỚ NGÀY XƯA Phạm Khang

giờ đã là cuối thu heo may về thơm mùi rơm rạ mùi cốm thơm hương mật đồng quê da diết nhớ tuổi thơ bên ruộng bãi em thiên thần anh cũng tuổi hoa niên…

rồi xa mãi con đò quê không bến rồi người đi xa lắm biệt sông đầy hương cốm vẫn nao lòng một thuở bãi vẫn đơm hoa không phụ bạc với người …

cuối thu sắc vàng thiêm thiếp chân trời vương thương lá rơi không biết nơi đầu nguồn cuối bể có ai còn nhớ tới những ngày xưa…!

VU VƠ – Thơ: Mạc Phương

Cuối thu khắc khoải những niềm mong. Ẩn giấu trong tim giấc mộng hồng. Sợi nhớ ngẩn ngơ trên thảm lá. Cuối đường người ấy có chờ không ?

Xóm núi ngày xưa vẫn ngóng trông. Bóng người lữ khách giấu trong lòng. Nắng chiều hiu hắt còn hơi ấm. Nhuộm tím mùa thu anh biết không ?

MÙA THU LÁ BAY Thơ: Hạnh Nguyễn

Cuối thu rồi đẹp lắm phải không anh ? Gió se lạnh thấy trong lành buổi sáng Cúc họa mi chớm nở trong thầm lặng Bầu trời trong xanh ngập nắng trải vàng

vào thu trong nỗi nhớ mênh mang Khóm cúc trắng dịu dàng đang đua nở Như mây trắng bồng bềnh trên khắp phố Những gánh hàng hoa chở cả mùa thu

Dạo trên con đường Hoàng Diệu, Nguyễn Du Gió cuốn chiếc lá xoay như nốt nhạc Cảnh sắc thu có chút buồn man mác Lá vàng rơi xào xạc rãi khắp đường

Mùa cải vàng như níu khách tha hương Nắng phớt nhẹ …đọng sương trên phố vắng Dạo Hồ Tây ngắm mặt hồ phẳng lặng Ngắm cánh diều ..căng gió giữa trời xanh

Đến Châu Quỳ, Gia Lâm phía ngoại thành Cùng chiêm ngưỡng cánh đồng hoa đua nở Hương ngai ngái của cải vàng rực rỡ Thấm đậm hồn quê thơ mộng thế này.

Cuối thu lúa cũng chín vàng Em về thăm lại thôn trang yên bình Áo dài duyên dáng đẹp xinh Che nghiêng vành nón giữ gìn nét duyên.

(đang còn cập nhật..)