Trong những nhà thơ đương đại, Tố Hữu là người được nhân dân thuộc thơ mình nhất. Đúng như Trần Đăng Khoa nhận xét “Thật chẳng có gì sung sướng hơn được nhân dân thuộc thơ mình. Đây chính là tấm huân chương cao quý mà nhân dân đã trao tặng cho thi sĩ. Hạnh phúc lớn lao ấy tạo hóa đâu có ban phát cho nhiều người”.
Với nước ta, nỗi đau chia cắt dằng dặc suốt hơn hai mươi năm chiến tranh tàn khốc, thơ Tố Hữu đi vào đời sống mấy thế hệ ở cả hai miền.
Ở chiến trường, tôi thấy người đọc thơ ông thật hồn nhiên mà cũng thật sâu sắc. Họ không chỉ thuộc mà như còn trao đổi với nhà thơ.
Xuân 1966, trên đường từ núi Duy Xuyên xuống đồng bằng vào một chạng vạng chiều, chúng tôi vô tình tập kết ở một vùng ranh. Có một đơn vị bộ đội trên đường hành quân, một số anh em đi gùi gạo, và những người như tôi, theo giao liên đi công tác… Về nguyên tắc, chúng tôi không được ở cùng một điểm như vậy, bởi chỉ cần một trái pháo tổn thất sẽ rất lớn. Nhưng ai cũng phải qua cửa này và phải chờ ở đây để tối hẳn mới hạ sơn, thôi thì đành vậy.
Tôi ngồi bên một bụi sim, gần một nhóm bộ đội miền Bắc, tất cả đều rất trẻ. Ngoài xa kia, một chiếc B57 đang lượn lờ trên cao, nghe không rõ tiếng máy bay, nhưng các loạt bom tọa độ vẫn nổ đanh gọn phía Gò Nổi. Ở men dốc Bà Son (đường vào Mỹ Sơn) pháo bầy từ Bồ Bồ, Cẩm Hà dập từng đợt chát chúa.
Có một giọng Hà Nội chuẩn: “Cái ông Tố Hữu này thánh thật. Tận Hà Nội mà ông thấy bom pháo lủ khủ ở Quảng Đà mình”, rồi anh cao giọng đọc hai câu:
Xuân ở miền Nam có nóng không? Tết này dưa hấu đỏ đầy đồng.
Đây là hai câu trong bài Xuân sớm Tố Hữu viết đầu năm 1966, anh có sửa chữ chín thành chữ đỏ.
Sau Hiệp định Paris, ở chiến trường Quảng Đà chúng tôi có biết bao tâm tư, trăn trở. Không ai thiết tha mong đến ngày hòa bình như chúng tôi. Nhưng khi địch điên cuồng phản kích, lấn chiếm, chúng ta lại được phổ biến “cốt yếu là làm sao xanh đồng, đông chợ, mọi việc trở lại bình thường như trong hòa bình”. “Cứ để cho địch như con mèo hiu hiu ngủ, không chọc phá nó” bộ đội ta như bị trói chân tay, bao nhiêu bức xúc.
Ở giữa một hội nghị bàn về đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, chống lấn chiếm, có đồng chí đặt câu hỏi “Ông Tố Hữu viết đã tắt hôm nay lửa chiến trường, tôi thấy có lẽ sửa là đã tắt hay chưa lửa chiến trường”.
Với nhiều đồng chí miền Nam lúc đó thơ hay (nghe được, dễ thuộc) chỉ có thể là thơ Tố Hữu. Tôi đã đọc trong sổ tay của một chiến sĩ du kích những dòng chữ viết rất nắn nót:
Bao giờ trở lại Điện Bàn Cho anh gặp lại cô nàng thân yêu
Dưới đề tên Tố Hữu đàng hoàng. Tôi chỉ biết cười, thông cảm chứ không dám nói với đồng chí điều cần phải đính chính.
Sau Tết Tân Hợi (1971), tôi có dịp về công tác ở hai xã Điện Xuân, Điện Văn (Điện Bàn). Việt Nam hóa chiến tranh đã được hơn hai năm. Mỹ có xuống thang nhưng chiến trường Quảng Đà vẫn rất ác liệt.
Hầu hết các thôn của 2 xã này bị đánh phá hủy diệt, trắng dân. Phần lớn đồng bào bị dồn xúc vào Gò Muồng, Cẩm Lý, dạt xuống Vĩnh Điện, Hội An, vào Đà Nẵng. Nhưng bà con vẫn cố trụ bám được ở vài ba thôn.
Ban ngày, địch lùng sục đông dày, nhưng đêm về ta làm chủ. Các mũi công tác của Đặc khu xây dựng nơi đây thành bàn đạp, móc nối cơ sở từ Hội An, Đà Nẵng, mượn cớ về quê đám giỗ, chạp mả, thăm đau, v.v… để gặp gỡ, trao đổi giao nhiệm vụ. Cán bộ các mũi công tác ấy cũng về đây nắm tình hình rồi xoi đường ra Điện Tiến, Hòa Tiến và xa hơn.
Thường thì quá nửa chiều chúng tôi đến phía Nam đường 100, giấu mình sau các bụi keo, chuối chờ tối vượt đường. Có hôm nằm sát đường thấy rõ bọn công binh Mỹ cởi trần trùng trục, da đỏ cháy, lái xe máy làm đường.
Đến nơi, bao giờ các đồng chí địa phương cũng chuẩn bị sẵn cơm nước tươm tất. Không thể nào quên được những bữa ăn ấm áp ngon lành có canh ổ qua tôm thịt, cá nục kho, thịt heo cuốn bánh tráng ấy.
Ăn xong đi quanh quanh thăm hỏi đồng bào, chừng tám giờ, tám rưỡi mới bắt đầu mít-tinh, chúng tôi thường gọi là phát động quần chúng. Chúng tôi nói về chiến thắng của ta, âm mưu của địch, động viên bà con cố gắng giữ thế hợp pháp, một lòng hướng về cách mạng, thề mãi mãi là dân Cụ Hồ.
Bà con chỉ nghe, ít khi nêu câu hỏi, có ý kiến, chỉ có các đồng chí địa phương phát biểu kết thúc, hứa hẹn “nhất định sẽ làm đúng lời cán bộ cấp trên đã dặn dò”.
Lần này vừa về Điện Xuân, anh Lương-Bí thư chi bộ đã nói ngay, “Tết rồi mong anh ra ăn Tết, anh không ra, nay anh phải ở lại với chúng tôi vài hôm”.
Không thể từ chối, thế là sau khi mít-tinh phát động quần chúng, anh Lương đưa tôi đến một ngôi nhà sườn gỗ, mái tôn, vách ván khá gọn gàng, được nhồi bữa khuya với một nồi cháo gà thả thơm ngon bổ dưỡng. Anh Lương và bác chủ nhà đều tỏ ý “Chẳng mấy khi anh ở lại qua đêm, anh phải ráng ăn lấy sức mai mốt còn lo bao công chuyện”. Ăn xong cháo đã nửa đêm, bác chủ nhà bảo tôi “Anh muốn ngủ ở hầm chống pháo hay ngủ võng tùy ý”. Tôi cột võng ở ngay gần miệng hầm, ngủ thiếp đi ngon lành.
Gần sáng, gà đã gáy, dưới bếp đã thấy ánh lửa. Anh Lương đi đâu về trao đổi với bác chủ nhà “liệu hôm nay địch có càn không”, hai người đi tới kết luận “không thấy động tĩnh gì, chắc là yên”. Nhưng anh Lương bảo “dẫu sao cũng phải đi ra bờ sông thật sớm”, nghe vậy tôi thức dậy, cuộn võng, cùng anh Lương ăn vội vài chén cơm nóng mà bác chủ nhà bảo là “phải dằn bụng phòng địch có càn” với cá kho dưa cải.
Trong sương sớm dày đặc, mờ mờ tôi theo anh Lương ra phía bờ sông. Con sông Yên mùa này nước cạn trong xanh hiền hòa. Bờ sông vững chãi như bờ đê với những hàng tre xanh tốt. Anh Lương bảo cán bộ du kích trừ một số rất ít ở trong dân, thường là phải nằm công sự mật suốt, còn tất cả chúng tôi đều ra đây, chia thành từng nhóm nhỏ, lẩn khuất trong mấy bụi tre, có động, địch tới gần mới xuống công sự. Anh chỉ cho tôi một vạt đất và hướng dẫn cách ngồi, cột võng sao cho có thể rút lẹ mà không để dấu vết.
Chừng gần 9 giờ sáng, sương tan, nắng lên, bốn bề yên ắng, anh Lương mới phát tín hiệu anh em từ các nơi kéo về, cũng đến 15 người, có đâu 3, 4 cô du kích (du kích nữ nhiều, nhưng họ có thể hợp pháp nên chỉ có một số ít ra đây) tất cả đều trẻ măng.
Anh Lương nói vui “Hôm nay chúng ta có cán bộ trên về, cán bộ là ai tôi không cần giới thiệu vì các đồng chí đều rõ. Bây giờ có chuyện gì hay nhất anh An sẽ nói với chúng ta”.
Tôi hơi bị bất ngờ, lúng túng. Bỗng nhớ ra cách đây ít lâu, anh em ở cơ quan có chép tin chậm được “Bài thơ Xuân 71” của Tố Hữu và cho tôi một bản, tôi có đem theo, thế là tôi bình bài thơ đó. Tôi đọc đoạn mở đầu:
71 đến, nghiêm trang. Như người lính Có lệnh là đi. Tư thế sẵn sàng Gương mặt sáng nụ cười bình tĩnh
Màu áo xanh tươi khỏe, nhẹ nhàng rồi đọc tiếp từng đoạn. Tôi đâu có giảng văn như ngày nào dạy văn ở Hà Nội. Tôi chỉ diễn dịch những ý mà tác giả gửi vào những câu thơ ghi lại những nét tươi vui của miền Bắc thi đua xây dựng để chi viện cho miền Nam. Những đồng chí ngồi nghe tôi không ai từng biết miền Bắc, họ không thể hình dung những chuyện về anh họa sĩ làng Hồ, về đàn bò mộng Cuba đủng đỉnh đi trên núi Ba Vì, về những con gà Hungary mỗi ngày vui một quả trứng hồng. Họ chăm chú nghe với niềm tin và tình yêu miền Bắc, họ sẵn sàng vì mảnh đất ấy mà hy sinh và luôn hướng tới như một thiên đường.
Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ rõ những gương mặt cảm động, những ánh mắt xa vời khi tôi nói về Bác Hồ. Bác vẫn còn đó trông xuống dịu dàng. Tôi còn đọc cho họ nghe những câu thơ về Bác mà Tố Hữu viết năm trước:
Một năm Bác đi xa Đất nước có buồn Nhưng mỗi chúng con… Càng lớn khôn Nhà vắng cha thường vậy. Và tôi cảm nhận là họ thấu hiểu tất cả.
Tôi đã dạy những lớp chuyên văn, học sinh là những em được tuyển chọn, cực kỳ thông minh, nhưng chưa bao giờ tôi thấy có sự đồng cảm giữa người giảng và người nghe như sáng mùa xuân cách đây 40 năm. Dù ngay lúc đó tôi đã biết đây không phải là một bài thơ hay của Tố Hữu và những người nghe chẳng phải là học sinh, sinh viên. Họ chính là những người vừa mới biết chữ, là những em nhỏ bỏ dở học tiểu học đi làm liên lạc.
Tôi không nhớ mình nói những gì, chỉ biết là tới gần trưa, nắng đã chan hòa, tôi dừng lại họ vẫn yêu cầu “Anh có còn thuộc đoạn thơ nào về Bác của Tố Hữu, anh nói tiếp cho chúng em”. Và sau đó ngay dưới những hàng tre xanh tốt, các đồng chí đã cho tôi ăn Tết với bánh tét, chả lụa, có cả bánh chưng và thịt gà luộc chặt, lá chanh thái chỉ, muối tiêu “cho anh đỡ nhớ miền Bắc”.
40 năm rồi không rõ ai còn ai mất, chỉ biết trong những người nghe tôi nói về thơ Tố Hữu bên bờ sông Yên năm ấy có một chú bé có đôi mắt to tròn, rất sáng, tên Dũng. Em bị thương trong một trận chống càn, và được đưa ra miền Bắc điều dưỡng.
Gặp em ở Hà Nội, vẫn đôi mắt to tròn rất sáng, dưới vành mũ tai bèo, câu đầu tiên em nói với tôi là “71 đến, nghiêm trang. Như người lính”.