Bạn đang xem bài viết Lịch Sử Khai Phá Bình Dương Qua Dân Ca, Thơ Ca Dân Gian Làng Tương Bình Hiệp được cập nhật mới nhất trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
Lịch sử khai phá Bình Dương qua dân ca, thơ ca dân gian làng Tương Bình Hiệp
Do đặc điểm địa lý và lịch sử di dân khẩn hoang lập nghiệp, đất Bình Dương đã trở thành nơi hội tụ của các luồng dân ca cả nước, là đầu cầu chuyển tiếp và thu nhận dân ca miền Bắc, dân ca miền Trung. Và từ lưu vực sông Tiền sông Hậu, dân ca đã dội ngược lại, tác động đến miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương. Vì thế dân ca Bình Dương vừa mang đặc điểm chung của Nam bộ, vừa thể hiện nét đặc thù tiêu biểu cho loại hình văn nghệ dân gian chỉ có thể nảy sinh ở mảnh đất Đông Nam bộ. Trải qua thời gian và nhiều thế hệ nối tiếp, các làn điệu dân ca và thơ ca dân gian được “Bình Dương hóa” ít nhiều và trở thành một mảnh đất phong phú đa dạng và đặc sắc.
Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương gồm 4 thể loại như: Hát đưa em, Lý, Hò và Nói thơ – Nói vè.
Vì giới hạn trang viết, trong bài này tôi chỉ trình bày về thể loại hát đưa em và thơ ca dân gian ở làng Tương Bình Hiệp (những tư liệu chưa từng được công bố).
Qua nguồn tư liệu phong phú này, ta có thể hiểu biết ít nhiều về vùng đất, con người, cây cối, các con vật thân quen của Bình Dương thời khẩn hoang.
Từ nội dung các thể thơ dân gian của các bài hát ru, ta có thể tìm hiểu ít nhiều về lịch sử khẩn hoang Bình Dương: Ví dụ như quang cảnh hoang sơ thời khẩn hoang Đông Nam bộ:
“Chiều chiều én liệng diều bay
Cá lội dưới nước, khỉ ngồi trên cây”
“Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây
Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn
Đi buôn không lỗ thì lời
Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng”
Cảnh rừng núi hoang sơ của Đông Nam bộ với những con vật đặc trưng của núi rừng: khỉ, voi và cây rừng hoang dã: mây. Qua đoạn thơ ta có thể đoán được Bình Dương thời ấy có nhiều rừng và một số lưu dân người Việt đầu tiên đến đây sống ở ven rừng, cây cối còn khá hoang sơ. Những nghề thủ công và buôn bán cũng xuất hiện khá sớm (“thắt gióng”, “đi buôn”).
(Hát ru em – xã Tương Bình Hiệp – sưu tầm từ cụ ông Nguyễn văn Trơn – 86 tuổi – Tương Bình Hiệp, BD)
Dấu ấn khẩn hoang được tìm thấy trong bài thơ thể loại câu đố:
“Một mẹ mà chín mười con
Ngày ngày luống những lên non trông chồng
Trông chồng mà chẳng thấy chồng
Gặp thằng tài cán rất hung
Đè đầu cắt cổ lôi xông về nhà
Tưởng đâu mình được vinh hoa
Hay đâu nó đánh răng gia đời đời”
Đố bài thơ trên nói về nghề gì?
Giải đáp: Nghề cắt cỏ tranh lợp nhà (đợt lưu dân đầu tiên là di dân tự do, số lượng ít, lập nên những xóm ven rừng, lên núi cắt cỏ tranh lợp nhà).
(Sưu tầm từ bà Trần Thị Măng – sinh năm 1927 – xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Khi lưu dân người Việt đến Bình Dương, rừng còn rất nhiều chim. Một loại cây hoang dã rất phổ biến ở Đông Nam bộ: Cây nhãn lồng: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng, nửa ăn nửa bỏ ai trồng cho mày ăn”
Do nằm ở vị trí thuận lợi giữa hai con sông lớn Sài Gòn – Gia Định, Bình Dương có hệ thống kênh rạch thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đất đai thích hợp với việc trồng cây lương thực, các họ đậu, đặc biệt vùng Lái Thiêu thích hợp trồng cây ăn trái.
Nhiều vùng đất trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu được hình thành. Sách Gia Định thành thông chí ghi lại: “Cù lao Tân Triều dài 10 dặm, rộng hai dặm rưỡi, người ta làm vườn tược ở đó, chỉ trồng trầu không lá rậm tốt, vị thơm ngon, có tiếng vang khắp vùng” (Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí, bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục, 1998, trang 25). Ta có thể biết lưu dân người Việt ở Bình Dương đã có nhiều giàn trầu quen thuộc qua những câu hát ru em ở làng Tương Bình Hiệp:
“Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”
“Đi đâu cho đổ mồ hôi
Chiếu trải không ngồi, trầu dọn không ăn”
Từ thế kỷ XVII về sau, lưu dân người Việt đến miền Đông Nam bộ với số lượng đông, họ chọn nơi sinh sống là ven sông, rạch và chọn nghề trồng lúa là chính, vì vậy dân ca và thơ ca dân gian thể hiện rất rõ đời sống của lưu dân gắn liền với ruộng đồng và nghề trồng lúa:
“Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giậm lúa nhà ông hở cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đi coi
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia”
“…Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”
Ngoàitrồng cây ăn trái, lưu dân người Việt ở Bình Dương xưa còn trồng nhiều loại rau mà không thể thiếu giàn bầu quen thuộc, hoặc trái dưa phục vụ cho món ăn dân dã:
“Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ăn trộm bẻ bầu, ăn cướp hái dưa”
Chứng tỏ đất Bình Dương trồng được hoa màu (bầu, bí, mướp, dưa chuột, khổ qua, đậu đũa, cà…):
“Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo cà trổ bông”
(Có dị bản là: lo già hết duyên)
Khi đã ổn định làng xóm, lưu dân người Việt trồng nhiều loại rau ngoài lúa, phụ gia cho bữa cơm gia đình, tên các loại rau này được nhắc đến qua câu hát thể hiện tâm sự người ở lại chịu nhiều đau khổ :
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
Thật vậy, ở trung tâm Thủ Dầu Một có một địa danh là “Bưng Cải” chắc khi xưa trồng cải rất nhiều.
Những con vật quen thuộc của kênh rạch Nam bộ, của ruộng đồng thời khẩn hoang dễ bắt gặp đâu đó như cò, chim vịt, két…
“Chiều chiều bắt két nhổ lông
Két kêu quớ má đem lồng nhốt con”
“Lắng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”
“Má ơi con vịt chết chìm
Con thò tay bắt nó, con cá kìm nó cắn con”
Bình Dương có khá nhiều kênh rạch, sông suối, ruộng đồng… nghề mò cua bắt ốc cũng rất phổ biến:
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau cho má nhờ
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con bắt cá nấu canh xoài cho má ăn”
Từ lâu ca dao đã biết: “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”Bình Dương là vùng đất có nhiều sông, đất đai màu mỡ, ruộng đồng bát ngát cho nên thơ ca cũng thấp thoáng bóng cò:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Nghệ thuật chơi chữ nói lái của người Bình Dương: “Con cò-cò con”. Những câu hát ru em như có chút tinh nghịch, cà rỡn như bản chất người dân Bình Dương (chú cò năn nỉ xáo măng nước phải trong, nếu nước đục chú đau lòng lắm!).
Có khi hình bóng chú cò được ẩn dụ cho con người vô ơn bạc nghĩa:
“Uổng công xúc tép nuôi cò
Nuôi cho cò lớn, cò dò cò bay”
Những con vật nuôi gần gũi trong nhà, trong làng phản ánh đời sống của lưu dân người Việt: Con mèo, nhưng có mèo thì phải có chuột:
“Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chuột rằng đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”
“Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay
Mẹ hay mẹ hỏi đi đâu
Nói đi hốt muối cho mèo ăn cơm”
Một vật dụng người xưa hay dùng: nồi đồng:
“Con mèo con chuột có lông
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai”
Đời sống tinh thần của lưu dân người Việt: trong những đêm cúng đình cả làng nô nức đi xem học trò lễ, hát bội suốt mấy đêm liền, đến nỗi trẻ em cũng biết “làm đào”:
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào cho má coi”
Dấu ấn thời Pháp thuộc :
“Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy quan ba
Ai cầu bậu lại quét nhà nấu cơm
Nấu cơm rồi lại nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”
Thơ ca dân gian ở làng Tương Bình Hiệp vô cùng phong phú, bài viết này chỉ chọn một số tư liệu tiêu biểu chưa từng được công bố trong địa chí Sông Bé hoặc quyển: “Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương” của Lư Nhất Vũ và Lê Giang chủ biên. Rất mong góp phần bổ sung tư liệu vào kho tàng văn học dân gian Bình Dương.
Văn hóa dân tộc đã cắm rễ sâu vào lòng đất nước, vào máu thịt con người, nó thấm sâu hàng ngàn năm lịch sử, nó trở thành đạo lý nên có sức sống mãnh liệt. Qua kho tàng âm nhạc dân gian Bình Dương, cụ thể là hát ru, ta có thể tìm hiểu không chỉ về lịch sử khẩn hoang Bình Dương mà còn hiểu biết về đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, tâm hồn, mối quan hệ xã hội…của lưu dân Việt ở Bình Dương thuở xưa.
Ngoài giá trị lịch sử và văn học, thể loại hát ru còn góp phần giáo dục âm nhạc cho trẻ thơ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ với những hình ảnh quê nhà, những con vật thân thương yêu dấu mà khi lớn lên, đi xa, chúng ta vẫn còn đọng mãi trong ký ức một dấu ấn quê hương không thể lẫn vào đâu được: “Quê hương mỗi người chỉ một…” những bài hát ru còn là những bài học đầu tiên về đạo đức, về cách đối nhân xử thế của con người… những bài học độc đáo MẸ dạy con khi con chưa biết chữ:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Dân ca và thơ ca Bình Dương đã và sẽ góp phần một cách xứng đáng làm cho diện mạo dân ca Nam bộ ngày càng được trọn vẹn hơn, hoàn chỉnh hơn và cân đối hơn.
Bình Dương, ngày 18-8-2008
Thành kính cám ơn song thân đã cung cấp tư liệu cho tôi hoàn thành bài viết này.
NGUYỄN THỊ KIM ÁNH
Về Kinh Bắc Nghe Câu Dân Ca Quan Họ
“Một lần đến Kinh Bắc Hồn lơ thơ sông Cầu Nghe một lần Quan họ Đắm suốt đời trong nhau”
Đi khắp bốn phương trời, ai không mang trong lòng những kí ức đẹp về một cây đa, bến nước, con đò… nơi mình sinh ra và lớn lên. “Quê hương”- hai tiếng thiêng liêng ấy luôn khắc sâu trong tâm khảm và thổn thức nỗi nhớ mong vô hạn trong lòng mỗi người con mưu sinh xa xứ như tôi (AD Nguyễn Hồng Hoa)… Tôi được sinh ra bên dòng sông Cầu thơ mộng như trong cổ tích. Lớn lên trong tiếng ru của mẹ, lời ca của bà, câu hát Quan họ tình tứ ngấm sâu vào máu thịt mỗi người con đất Kinh Bắc chúng tôi. Người ta bảo rằng, trẻ con sinh ra và lớn lên ở đất Kinh Bắc “ngấm” chất Quan họ từ trong bụng mẹ để rồi đi xa lại vương vấn nhớ thương vùng đất mà thơ nhạc đã ngợi ca là miền quê mà “Một làn nắng cũng mang điệu dân ca”.
Sông Cầu nước chảy lơ thơ Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi
Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), Quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người Kinh Bắc chúng tôi càng thêm tự hào về câu dân ca quê mình. Về Kinh Bắc bây giờ không chỉ có 49 làng Quan họ cổ mà con số ấy đã phát triển theo cấp số nhân thành hàng trăm làng Quan họ dọc hai bên bờ Bắc và bờ Nam sông Cầu.
Câu Quan họ “ngấm” vào máu thịt những người con Kinh Bắc trong cả bữa ăn, giấc ngủ, theo trẻ thơ cả khi đến lớp, khi ra đồng chăn trâu, thả diều, thổi sáo… Người Quan họ từ đời này qua đời khác cha truyền con nối. Ông bà hát thì con cháu học theo. Ai đã trót bị “ngấm” Quan họ vào người thì sẽ vương vấn suốt cả cuộc đời mãi không thôi. Về Kinh Bắc bây giờ không khó để được nghe người Quan họ hát câu dân ca. Phong trào người người hát Quan họ, nhà nhà hát Quan họ phát triển trong từng làng xã, từng thôn xóm, góc phố. Trẻ em lên ba lên năm dẫu chưa thuộc mặt chữ song đã có thể hát được những làn điệu dễ nhớ dễ thuộc như: “Cây trúc xinh”, “Vào chùa”, “Trên rừng 36 thứ chim”, “Trống cơm”… bởi cách dạy Quan họ truyền khẩu của các bà, các mẹ… Trong làng trong phố, nhà ai có đám cưới, đám hỷ là lại mời các liền anh liền chị đến biểu diễn hát mừng đến tận thâu đêm. Cũng bởi vậy mà đời sống của các anh chị em nghệ sĩ Quan họ bây giờ đã được cải thiện hơn nhiều so với xưa. Họ hoàn toàn sống được với nghề của mình bằng một niềm đam mê cháy bỏng câu dân ca quê mẹ.
Tháng Giêng mùa hát hội, Quan họ tưng bừng làng trên xóm dưới khắp vùng Kinh Bắc. Du khách bốn phương một lần đến hội Lim, một lần về làng Diềm thăm đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ đều không khỏi bồi hồi trước những anh Hai áo the khăn xếp, xao xuyến trước những chị Hai duyên dáng trong tà áo tứ thân với khăn mỏ quạ và chiếc nón ba tầm.
Ai làm chiếc nón quai thao? Để cho anh thấy cô nào cũng xinh…
Em là con gái Bắc Ninh Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo
Ngày xưa các cụ nhà ta không gọi là đi “hát Quan Họ” mà các cụ gọi là “ca Quan Họ”, đi “‘chơi Quan họ”‘:
Dưới giời mấy kẻ biết ra Biết ra chỉ có vùng nhà mà thôi Trong sáu tỉnh nghe đà chưa tỏ Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh Yêu nhau nghĩ lại xuân tình Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường
Cho đến nay đã có khoảng trên dưới 200 bài Quan họ đã được ký âm. Các bài Quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca bao gồm hàng trăm bài Quan họ cổ đã được nghệ nhân ở các làng Quan họ biểu diễn, lưu truyền cho hậu thế.
Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong Quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh. Hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, hát mừng… “Chơi quan họ” truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát).
Hôm nay sum họp trúc mai Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm
Ngày nay, theo nhịp sống của thời đại, Quan họ phát triển thêm hình thức biểu diễn trên sân khấu, tức là Quan họ mới, có kèm theo nhạc đệm để hỗ trợ tiết tấu cho bài hát, song các nghệ sĩ Quan họ đa phần cũng chỉ dùng đến nhạc cụ dân tộc như: trống, phách, sáo trúc, đàn bầu… để giữ được “hồn” của dân ca chứ ít khi dùng đến sự hỗ trợ của nhạc cụ điện tử tân nhạc. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát giao lưu, truyền tải thông điệp của từng làn điệu tới người nghe chứ không chỉ dừng lại là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra xa ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.
Từ xưa, các làng “chơi Quan họ” đã có tục kết chạ (kết nghĩa) với nhau. Đó là mối tình huynh đệ gắn bó ngàn đời giữa các làng Quan họ cổ bên dòng sông Cầu. Bởi vậy mà khi đã kết chạ Quan họ với nhau thì trai gái, liền anh liền chị của 2 làng đó không được nên duyên chồng vợ để giữ trọn sự thanh khiết, trong sáng cho câu hát Quan họ. Cái lệ “Quan họ không lấy nhau” cũng từ đó mà ra. Trong vùng Kinh Bắc có thể kể một số “bọn” (“Bọn” là từ dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang nghĩa xấu) Quan họ kết chạ như: Bựu Sim (Hoài Thị) – Làng Diềm (Viêm Xá)̣, Phù Lưu – Hạ Giang, Lũng Giang – Tam Sơn, Bồ Sơn – Y Na, Ném Đông – Ném Đoài…
Người Kinh Bắc khi khách đến chơi nhà thì hát câu mời nước, mời trầu. Về mời nước, người Quan họ có câu:
Mấy khi khách đến chơi nhà Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi Trà này ngon lắm người ơi! Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng
Về mời trầu, người người Quan họ thường nói:
Gặp đây ăn một miếng trầu Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng Trầu này trầu tính trầu tình Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta Yêu nhau đứng ở đằng xa Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần
Về mời rượu, người Quan Họ lại nói:
Tay tiên chuốc chén rượu đào Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say
Tuy nhiên ăn xong mà có hát canh thì không được uống rượu. Trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe.
Xưa kia, mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn (sau chuyển thành bát sứ tráng men trắng của người Trung Quốc), nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn đặc sản của làng mình. Chỉ một số món đựng bằng bát lớn, khó chồng lên trên thì mới phải đặt ở tầng dưới, như: cháo cái Đào Xá, bún riêu Đương Xá…
Tàn canh hát, Quan họ hát câu giã bạn đầy lưu luyến vấn vương:
Người về em vẫn trông theo Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi Người về em vẫn khóc thầm Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa Người về em dặn mấy nhời Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua Người về em dặn tái hồi Đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi em
Người Quan họ sống thanh tao, ý vị và cũng rất trọng nghĩa tình:
Tiếc thay cành quế loan vời Lời Quan họ nói, biết đời nào quên Bao giờ lở núi Tản Viên Cạn sông Tô Lịch không quên nghĩa người Nghĩa người em để lên cơi Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm Một ngày ba, bẩy lần thăm Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười
Tình nghĩa ở cái “hữu duyên” trong mỗi “bọn” Quan họ ấy thật mãnh liệt, dù cách xa mấy họ cũng tìm đến tận nơi để hát giao duyên và “chơi Quan họ” với nhau:
Chơi cho nước Hán sang Hồ Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào Chơi cho chín trận mưa rào Một trăm trái núi lọt vào trôn kim Chơi cho bong bóng thì chìm Đá bia thì nổi, gỗ lim mập mờ Chơi cho bể cạn sông khô Căng buồm xuôi gió Hán- Hồ gặp nhau Chơi cho sông Lục sáu đầu Cạn sông hết nước, giống mầu giữa sông Chơi cho con ốc có sừng Con lươn có vẩy mới ngừng đi chơi
Về Kinh Bắc, xơi một chén trà mạn hảo, thưởng thức một miếng trầu têm cánh phượng, uống chén rượu làng Vân… nghe kể chuyện Thái tổ Lý Công Uẩn, Nguyên Phi Ỷ Lan, chuyện “hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám… cũng đủ níu chân bao khách lữ hành đi ngang qua miền Quan họ.
Cả một vùng quần thể văn hiến Kinh Bắc với: chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, đền thờ Lý Bát Đế, đền Bà Chúa Kho, lăng Kinh Dương Vương, thành Luy Lâu… Những món ăn ẩm thực dân dã như: bánh đa Kế, bánh Phu Thê Đình Bảng, bánh đúc lạc Đình Tổ, bánh Khúc làng Diềm, nem Bùi Thuận Thành, mì Chũ… qua đôi bàn tay chế biến khéo léo của những cô gái Quan họ đã trở thành thứ đặc sản ẩm thực, làm lòng người xa xứ không khỏi bồi hồi nhớ về hương vị thanh đạm nơi quê hương.
Kinh Bắc không quá ồn ào, hối hả, tấp nập như Hà Nội, Sài Gòn nhưng cũng không quá vắng vẻ, tĩnh lặng… Cái cảm giác huyên náo đủ để con người ta cảm thấy muốn lắng mình trong những cung bậc xúc cảm của cuộc sống đời thường, đủ cho những ai đã từng có lần đến rồi đi vẫn mong chờ một khoảng lặng để nghĩ về những ngày đã qua ở miền Quan họ hiếu khách này.
Vùng đất “Địa linh nhân kiệt” có “Trai Cầu Vồng- Yên Thế, gái Nội Duệ- Cầu Lim” đã khiến bao người ngẩn ngơ, động lòng trước “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để rồi cứ thẩn thơ đi tìm một “Lá Diêu bông” phía “Bên kia sông Đuống”, xa rồi lại bồi hồi:
Nhớ mưa Thuận Thành Long lanh mắt ướt… Ngón tay trắng nuột Nâng bồng Thiên Thai… Hạt mưa chưa đậu Vai trần Ỷ Lan…
Lại ao ước mong chờ về miền Quan họ để say trong miếng trầu têm cánh phượng, bên chén rượu làng Vân, nghe các liền anh liền chị hát câu Quan họ “vang, rền, nền, nảy”… “Người ơi! Người ở… đừng về”… Để rồi lại da diết trong lời dặn dò… người ơi! Đến hẹn lại về..
– Hồng Hoa – (duyenquanho.vn)
Văn Học Dân Gian Quảng Trị
Quảng Trị là một vùng đất giàu có vốn văn hoá phi vật thể, trong đó văn học dân gian có vị trí hết sức đặc biệt. Văn học dân gian Quảng Trị là sản phẩm chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dòng văn học truyền khẩu.
Xét giá trị nội dung và nghệ thuật, văn học dân gian Quảng Trị có những nét riêng, đóng góp cho văn học dân gian Việt Nam thêm phần phong phú. Văn học dân gian bao gồm nhiều thể loại (huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, câu đố, truyện cười, tuồng hài…) song phong phú,đa dạng và giàu màu sắc địa phương và có thể phân thành 4 mảng chính là ca dao-dân ca, Tục ngữ-câu đố, Truyền thuyết-cổ tích-truyện trạng, hò vè.
Ca dao- dân ca của bất cứ miền nào trước hết cũng là tiếng ca của nghĩa tình, tiếng nói của yêu thương. Trong sinh hoạt gia đình, làng xã, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi tiếng nói của con tim đã đã ở cung bậc cao nhất, người lao dộng dùng lời ca để bày tỏ tâm tình trước cảnh vật, trước những biến diễn của cuộc đời và trao đổi tâm tình với nhau. Tính trữ tình, bởi vậy thấm đượm trong nội dung lẫn âm điệu của các khúc hát dân gian. Một chút buồn thoáng qua của con người trước cảnh vật:
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân thêm buồn
Một tình cảm thành kính dâng lên cha mẹ:
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Việc tìm kế sinh nhai nhưng người Quảng Trị luôn nhớ về quá khứ, nào công cha, nghĩa mẹ vô bờ bến, tình nghĩa vợ chồng keo sơn, gán bó dù sông cạn đá mòn:
Mẹ thương con qua cầu Ái Tử Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu Một mai bóng xế trăng lu Con ve kêu mùa hạ biết mấy thu gặp chàng
Tất cả những biểu hiện khác nhau của mối quan hệ giữa con người với con người, tất cả những cung bậc phong phú, đa dạng, tinh tế của tình cảm con người, ca dao – dân ca đã “thấu đến chân tơ kẻ tóc” (chữ dùng của Xuân Diệu) và đã nói bằng một tiếng nói đằm thắm, sâu lắng, thiết tha. Tình cảm ấy mở rộng ra, nâng lên thành tình cảm đối với quê hương đất nước, thành tình cảm giai cấp, nghĩa đồng bào, và sau này trong thời đại mới là nghĩa quân dân, tình dân đối với Cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ và tình nam Bắc ruột thịt. Những biểu hiện khác nhau ấy của tình riêng, nghĩa chung trong ca dao – dân ca miền nào cũng có. Vấn đề đặt ra là cần tìm ra những sắc thái riêng. “Những óng ánh riêng” trong cách biểu đạt tình cảm của ca dao dân ca mỗi miền.
Tiếp xúc với ca dao – dân ca Bình Trị Thiên, ta thấy có nhiều cách biểu đạt khác nhau về những khía cạnh tinh tế, phức tạp của tình cảm con người. Có bài ca dao hết sức mộc mạc, mộc mạc như là lời ăn tiếng nói hàng ngày, diễn đạt một tiếng long cũng hết sức giản dị, chân thực:
Đôi ta thương chắc mần ri Bọ mẹ mần rứa, eng thì mần răng?
Có trường hợp là một tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt đấu tranh cho một nguyện vọng, một ước mơ một sự trọn vẹn của nghĩa tình.
Thiếp thương chàng gươm vàng không sợ Súng bắn chin, mười lần duyên nợ không buông. Chẳng thà chịu tiếng cho luôn Gươm trường kề cổ không buông nghĩa chàng.
Song nhìn chung tiếng trong ca dao-dân ca Bình Trị Thiên, dù mỗi vùng sắc thái có khác nhau vẫn là tiếng nói đằm thắm giàu ân nghĩa chứ không thiên về rắn rỏi, mạnh mẽ, quyết liệt hoặc quá mộc mạc, trần tục…Cách diễn đạt lại thường nhẹ nhàng, bóng bẩy, có sự trau chuốt, gia công tỷ mỉ trong việc dùng chữ, đặt câu (sắc thái này thể hiện rất rõ trong ca dao dân ca vùng Huế -Thừa Thiên)
Kháng chiến chống ngoại xâm là một nội dung khá quan trọng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ca dao dân ca Quảng Trị vẫn không ngừng phát triển để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã vẽ nên những trang sử oai hùng của dân tộc, cho Quảng Trị mà các địa danh Triệu Sơn, Ba Lòng, Như Lệ là những nơi tiêu biểu cho phong trào kháng Pháp. Những nơi khác cũng đã từng in dấu chiến tranh tàn phá như dãy Trường Sơn, sông Thạch Hãn, Bích La Đông, An Hoà, Đại Hào, Phương Ngạn:
Ai về Bích La Đông khỏi lòng đau xót ruột Ai về An Hoà khỏi hậm hực thù Tây Mồ mả cha ông hắn cho xe xới, xe cày Bao nhiêu oan hồn nước mắt nghĩ lại trăm đắng nghìn cay căm thù.
Cần ghi nhận là dân ca cũng theo thời sự mà chuyển biến, phát triển. Chiến đấu để thống nhất, để được sống tự do, độc lập trên quê hương là niềm tin mãnh liệt của người dân Quảng Trị thể hiện rõ từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời chống Mỹ. Ca dao dân ca Quảng Trị đã phản ánh một cách sinh động ý chí và tâm tình thiết tha ấy.
Như vậy, sự thêm bớt chữ trong các câu ca dao Quảng Trị là không có quy tắc mà hoàn toàn tuỳ theo cảm hứng của người hò, sao cho tròn ý nghĩa là được. Sự hợp vần trong các dao thường thay đổi, hết gieo vần lưng lại gieo vần chân, như quy luật hợp vần của thể lục bát và song thất lục bát, nhưng một số ít câu ca dao của Quảng Trị lại có lối gieo ở vần chân.
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Quảng Trị cũng khá phong phú. Ta sẽ gặp ở đây những loại từ đối nghĩa, đối ý trong dân ca đối đáp: – Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít Trầu cả chợ răng nói trầu không Trai nam nhơn đối đặng sẽ làm chồng nữ nhi – Chuối không qua Tây răng gọi là chuối sứ ? Cây không biết chữ răng gọi là thông ? Nam nhơn đà đối đặng quyết làm chồng nữ nhi Trong lời hò đối đáp, lối ứng xử thật thông minh: Ngồi buồn nói chuyện trên non Một trăm thứ cá có con không thằng Khi chọc ghẹo nhau vẫn giữ lối văn nhã: Em mở khuôn ra cho anh đúc lấy lượng vàng Hoạ may may hoạ thiếp với chàng dùng chung – Anh về thưa với hai họ rõ ràng
Mời thân nhân lại, em mở khuôn vàng cho coi
Quảng Trị là vùng đất thành lập sau khi nước ta đã định hình hàng nghìn năm trước. Văn học dân gian vùng này là sản phẩm của những con người có gốc từ Thanh Nghệ truyền vào. Qua cuộc sống chung với dân bản địa ở vùng đất mới, dần dần con người ở đây mới tạo được một phong cách riêng. Sự giao lưu văn hoá thế tất phải xảy ra. Ca dao là thể loại để lại những dấu vết rõ rệt trong ngôn ngữ văn học
TỤC NGỮ – CÂU ĐỐ
Tục ngữ và câu đố là hai thể loại suy lý phổ biến ở Quảng Trị . Cũng như ở các nơi khác, tục ngữ Quảng Trị được phân làm hai tiểu loại: Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết và sản xuất. Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về đời sống xã hội. Đây là phần quan trọng nhất là mọi người cần quan tâm khi viết về đề tài ca dao- tục ngữ
Nhìn chung, kinh nghiệm của nhân dân ở đau cũng tương tự như nhau. Ở Quảng Trị có những câu tục ngữ phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết như sau: Chớp ngã Cồn Tiên; Mưa liền một trộ; hoặc: Sấm Đầu mâu không cầu cũng đến.
Lại có những câu đề cập đến sản vật đặc biệt của từng địa phương. Chính qua những câu tục ngữ này, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc hơn văn hoá vật chất của vùng đất Quảng Trị:
-Nem chợ Sãi, vải La Vang -Khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại -Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ – Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông -Cá bống Bích La, gà Trại Lộc…
Kinh nghiệm về đời sống xã hội có những câu thật xác đáng và thực tế:
-Chạy lóc xóc không bằng góc vườn -Nhiều nghề cá trê húp nác(nước)
Người miền núi cũng bày tỏ kinh nghiệm của họ:
– Đừng mau phai như hoa Toang-a-rát – Đừng chóng bạc như vôi – Xách bầu phải xem quai – Địu con phải xem vải buộc – Làm cỏ phải xem cán nắm
Về hình thức nghệ thuật, các câu tục ngữ ở Quảng Trị thường hợp vần theo lối yêu vận chứ không theo lối cước vận.
Câu đố Quảng Trị có thể phân thành những tiểu loại:
-Về những bộ phận cơ thể của con người -Về những hoạt động của con người -Về các con vật -Về các loại cây trái -Về các sự vật hiện tượng khác.
Qua những câu đố ấy, ta thấy được sự tinh vi trong những nhận xét về sự vật, con vật sống cạnh người, như đố về con gà trống:
Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên Ngày năm bảy mụ tối ngủ riêng một mình. Hoặc con chó : Khen ai nho nhỏ Mắt tỏ như gương Tối trời như mực Biết người thương ra chào
Có nhiều khi sự liên tưởng vô cùng sâu sắc. Đố về cau, trầu, vôi có câu:
Hai cây cao đã nên cao Một người dưới rào xa đã nên xa Ba người họp lại một nhà Kết duyên phu phụ duyên đà mặn duyên
Có thể nói sự thông minh dí dỏm, óc nhận xét tinh vi của người Quảng Trị đều được thể hiện trong câu đố:
Da non mà bọc lấy xương Lửa cháy trên đầu chúa chẳng thương Đêm năm canh tiêu hao mình thiếp Nghĩ đến đoạn trường nước mắt nhỏ sa ( Cây đèn sáp) Một mẹ sinh đặng ngàn con Trai có gái có , tài khôn rõ ràng Mặt trời đã xế vàng vàng Con xa ngái mẹ lại càng thương thay Cách nhau đã bốn năm ngày Con lại gặp mẹ mừng thay là mừng (Phiên chợ Cam Lộ)
Một số câu đố khác theo lối “đố tục giảng thanh” cũng thường được nhân dân Quảng Trị vận dụng để sáng tác.
Các truyền thuyết về đền- tháp- miếu- chùa như “Sự tích tháp Dương Lệ và tháp Trung Đan”, ” Đề Tương Hầu”, ” Miếu Tương Nghè”…đã vẽ lại một giai đoạn lịch sử lâu đời lúc thần linh còn ngự trị khá sâu sắc trong tư tưởng của nhân dân.. Qua các truyền thuyết đó, ta thấy được lòng tôn trọng văn hoá, biết ơn những vị có công với đất nước, quê hương
Truyện cổ tích lại mang một nội dung khác. Đó là những chuyện phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người, đề cập đến những tình cảm riêng tư trong sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội. Hệ tư tưởng nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong các truyện cổ. Nhiều truyện nêu bật các đức tính chung thủy, hiền hậu, đảm đang, cần kiệm. Truyện” Vác mía tìm dâu”, “Tình mẹ con” có mục đích khuyến dụ thanh niên nam nữ giữ gìn và phát triển những đức tính ấy để bảo vệ tình cảm, đạo đức trong cuộc sống gia đình. Truyện” Vợ làm quan cho chồng” đề cao người vợ khôn ngoan cũng là truyện có khuynh hướng đạo lý… Có thể nói các truyện cổ tích dân tộc kinh tại vùng đất Quảng trị dù phương thức diễn đạt khác nhau, có truyện mang tính thần kỳ, có truyện mang tính khôi hài… nhưng nhìn chung xu hướng trong các truyện cổ là đe cao đạo lý làm người.
So với truyện cổ dân tộc kinh thì truyện cổ miền núi Quảng Trị phong phú hơn. Một số truyện cổ tích có tính suy nguyên luận như ” Sự tích sao hôm sao mai” (taôi), ” Tình nghĩa gà vịt” (Vân kiều)…phản ánh sinh hoạt xã hội, có mục đích khuyến giáo đạo lý làm người, đề cao sự chung thuỷ, phê phán những hạng xảo trá, lừa đảo trong quan hệ gia đình, xã hội. Truyện cổ tích thần kỳ miền núi khá hấp dẫn ở những yếu tố người thần, vật thần. Truyện “Con voi thần” hấp dẫn ở nội dung độc đáo, thể hiện sự chất phác cùng sự dung dị trong nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc miền núi.
Trong kho tàng truyện kể Quảng Trị, truyện cười cũng chiếm số lượng lớn và vô cùng phong phú. Đặc biệt vùng đất Như Lệ khô cằn lại tập hợp một khối lượng truyện cười đáng kể. Đáng chú ý hơn cả là Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng . Nghệ thuật kể truyện Trạng Vĩnh Hoàng tuy cũng dùng biện pháp khoa trương, phóng đại, nhưng dựa trên cơ sở hiện thực như chuyện “Trâu đen trâu bạc” là để phóng đại dưa hấu ở Vĩnh Hoàng, chuyện “Mắc cọp mà cày” là để phóng đại việc người Vĩnh Hoàng ngày trước đi cày rất sớm và vùng này cũng nổi tiếng có nhiều cọp như ở Thuỷ Ba. Về phương thức phóng đại, người Vĩnh Hoàng không dùng lối trực tiếp mà diễn tả bằng lối gián tiếp. Để chỉ quả dưa khổng lồ, họ không so sánh quả dưa đó với vật thể nào mà diễn đạt một cách thông minh hơn: dưa mà đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn, rồi mang cả dưa lẫn quạ bay lên cao.
Truyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là truyện Trạng nhưng vẫn có một giá trị hiện thực. Đây không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu. Giá trị ấy cần phải được khẳng định khi xét đến mối tương quan của nó với các loại truyện khác như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn…
HÒ VÈ
Hò địch vận ở Như Lệ vốn là biến điệu của hò mái nhì nhưng vang xa như tiếng ngân vút cao mạnh mẽ phát ra từ con tim yêu nước nồng nàn. Tiếng hò Như Lệ là nét độc đáo trong dân ca kháng chiến Quảng Trị, nó đã phát huy tác dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ chống Mỹ, tiếng hò kháng chiến lại được dịp vang xa. Nhiều câu hò hai bên bờ sông Bến Hải nói lên niềm ước vọng đất nước thống nhất. Chính ở vùng này đã hình thành nên một bộ phận văn học dân gian mang những đặc điểm riêng của một vùng đất bị chia cắt.
Sông Hiền Lương bên bồi, bên lở Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương Bao giờ giặc Mỹ hết phương Bắc Nam sum họp con đường vô ra.
Vè là một thể loại kể chuyện bằng văn vần phổ biến ở Quảng Trị, phát triển mạnh vào thế kĩ XIX. Vè Quảng Trị cũng như các nơi khác, phần lớn là những bài có dung lượng vừa phải được sáng tác theo thể lục bát, hoặc tứ tự, song thất lục bát. Một số bài nổi bật với nội dung mang tính xã hội sâu sắc. Đó là loại vè thế sự. Vè “Mẹ Hẹ” là một sáng tác độc đáo. Hình thức sáng tác gần như lối thoại kịch với lời đối đáp của hai nhân vật: cô Hẹ và quan huyện. Nội dung bài vè kể lại câu chuyện cô Hẹ vào tuổi xuân tình phơi phới đã bị quan huyện lừa phỉnh. Sau khi để lại một bầu thai cho cô Hẹ, quan huyện ấy đã tàn nhẫn đuổi cô Hẹ ra khỏi nhà. Cô Hẹ nuốt hận trở về nhà mẹ. Sau khi sinh nở, thấy cô vẫn còn xuân sắc, quan huyện lại giở trò tán tỉnh. Cô đã vạch trần thói bạc tình, bạc nghĩa của tên quan này bằng một ngôn ngữ cay chua, mang sắc thái địa phương đậm đà mà không phải bài vè nào cũng thể hiện được.
Xoay quanh thể loại này có những giai thoại mà mỗi khi quây quần bên ấm chè xanh hoặc đôi phút giải lao nơi đồng áng thường được người dân truyền tụng. Chuyện ông Bộ ở làng Gia Độ và O Thơi ở làng Xuân Thành là một trong số đó. Ông Bộ là người nho nhã, có vốn nho học. Tuy đã có gia đình nhưng lại rất say mê hò hát. Còn O Thơi là một gái chưa chồng, tài sắc vào đám nhất vùng thời ấy. Một hôm, gặp O Thơi quang gánh di chợ qua cánh đồng giáp hai làng, ông Bộ nổi hứng cất câu hò:
“Buôn bán chi chi rày lời mai lỗ, vất quách thúng rỗ theo anh. Một mai công toại danh thành, ta ngồi chung kiệu hành đó đây”
Không hề chần chừ nghĩ ngợi lâu, O Thơi cất giọng hò đối lại ngay lập tức:
“Chữ thánh hiền dược mấy pho mấy bộ, dám huênh hoang xuất lộ vi hành? Một mai đỗ đạt thành danh, đã có O Tam thể nó đợi anh kết nguyền”
Ông Bộ đỏ mặt vì câu hò cay độc. Ai đời đường là một đấng trượng phu ra rứa lại cho rằng chỉ có con mèo tam thể mới lấy anh!
Vẫn cái máu mê gái lại mê hò, một hôm vợ ông Bộ chuyển bụng sắp sinh, nhà lại hết dầu, vợ ông bảo ông xuống chợ mua dầu. Vừa ra đến đầu ngõ gặp cô Thơi đang đang mò cá. Hai người đối đáp đến nổi quên cả mặt trời đã xuống núi. Bỗng ông Bộ cất lên một câu hò trêu chọc rằng:
“Cảm thương cho Em sớm thì lăn đồng cạn, chiều lại lặn đồng sâu. Con tôm con tép liệu được mấy đồng xu”.
O Thơi hò đáp lại:
“Chứ làm ra năm trự mười đồng, trước ngon cơm anh sau lành áo mẹ để tỏ tấm lòng nàng dâu”.
Cũng cần đề cập thêm một nội dung khác cũng khá phong phú của vè Quảng Trị, đó là vè kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài bao nhiêu năm trên đất Quảng Trị khô cằn là đề tài cho hàng trăm bài vè phản ánh những nỗi khổ cực của người dân trong cuộc chiến tranh xâm lược, nêu bật tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân ở một vùng đất có truyền thống đấu tranh.
Bao năm tháng qua, văn học dân gian Quảng Trị đã sống cùng nhịp sống của dân tộc bằng tiếng nói hồn hậu, trung thực của mình, ngân vang bằng giọng hò thiết tha, trìu mến thân thương cho đến ngày nay.
Nguồn Internet
Cảm Nhận Về Hình Ảnh Con Cò Trong Một Số Bài Ca Dao Dân Ca
Cảm nhận về hình ảnh con cò trong một số bài ca dao dân ca – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định
Ca dao dân ca Việt Nam nhiều lần nhắc đến con cò, cái cò bay lả bay la, cái cò lặn lội bờ sông… cái cò gần gũi và quen thuộc, hiền lành và chịu khó, gắn bó với dân cày ta. Cánh cò là hình ảnh quê hương. Đàn cò là hình ảnh thân thuộc của quê ta, sớm sớm chiều chiều cánh cò trắng nổi bật trên nền xanh của ngô, lúa, nương dâu. Cánh cò tô một vẻ đẹp của cảnh làng xóm thanh bình:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa Phủ, bay ra cánh đồng
Non cao, biển rộng, sông dài, đâu đâu trên đất nước ta cũng có hình ảnh con cò thân thuộc.
Hình ảnh con cò được nâng lên thành biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người nông dân như siêng năng, cần mẫn, lam lũ, chịu khó, hiền lành, chất phác… Có được hạt gạo dẻo thơm thì phải một nắng hai sương, đắng cay muôn phần thấm bao mồ hôi. Cuộc sống của họ chẳng khác nào:
Con cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về đến luỹ cò ơi
Con mày bỏ đói ai nuôi hỡi cò!
Cuộc đời của cò thật sương gió, bầy con nheo nhóc bơ vơ. Con cò vừa chịu thương chịu khó nhưng cuộc đời đầy cám cảnh cò ơi!
Người nông dân thức khuya dậy sớm lam lũ trong cảnh:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Rồi bới đất vặt cỏ mà vẫn lam lũ. Cuộc sống cái cò cũng vậy:
Trời mưa quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn
quả dưa, con ốc, con tôm, con cò là những tạo vật, là cách nói so sánh ví von về những con người trong xã hội cũ. Trong mưa gió hình như quả dưa trở nên biến dạng méo mó vẹo vọ, con ốc nằm co, con tôm gặp mưa bật nhảy lên đánh đáo. Chỉ riêng có cái cò là vẫn chủ động trong công việc của mình là kiếm ăn.
Cái cò, không hẳn chỉ nói về số phận long đong vất vả mà còn là đại diện cho tầng lớp dân nghèo thấp cổ bé họng quanh năm tần tảo làm ăn. Đôi khi cái cò cũng là nguồn cảm hứng ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu trai gái thắm thiết thuỷ chung trên ruộng lúa nương dâu, bên giếng nước gốc đa, sân đình những đêm trăng sáng… Nhìn bầy cò chao liệng trên đồng quê, họ hát lên những câu hát giao duyên tình tứ, gửi gắm nỗi nhớ thương niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi:
Một đàn cò trắng bay quanh,
Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ trăng
loan nhớ phượng, mình nhớ ta… là những mối tình quê thật đẹp. Họ ước mơ đoàn tụ, sống bên nhau thuỷ chung son sắc cả cuộc đời. Nhìn bầy cò gần gũi, khăng khít với nhau trong cuộc sống, họ liên tưởng và ước mơ một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Cuộc sống của bầy cò cũng hồn nhiên, chất phác, đậm đà chất dân quê như chính những con người lao động vậy.
Gặp lúc chiến binh trai tráng trong làng tòng quân đánh giặc bảo vệ hoà bình cho quê hương xóm làng. Ra đi bỏ lại sau lưng quê nghèo nương lúa bờ tre thân thuộc. Đặc biệt, trong mỗi gia đình họ bỏ lại vợ trẻ con thơ. Hình ảnh con cò lặn lội, đi xúc tép, lên thác xuống ghềnh tượng trưng cho những cảnh đời lận đận, những đức tính tần tảo, siêng năng, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Hay
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con!
Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống nhân dân ta vô cùng cực khổ. Sau luỹ tre làng là những chị Dậu long đong lận đận trong sự vật lộn với miếng cơm manh áo. Có biết bao nước mắt đã chảy, một đời cò! Họ là những thân cò không hơn không kém, nước mắt nỉ non trên vai gánh nặng quá sức hỏi rằng: cò ơi chịu được hỡi cò? Những tiếng khóc than, ai oán như vọng vào năm tháng?.
Nhìn bầy chim hiền lành cùng kiếm ăn trên đồng ruộng: con cò, con vạc, con nông, giữa chúng có một tình bạn cay đắng ngọt bùi cùng san sẻ. Nhìn bầy chim ấy họ như thấy chúng đang trò chuyện với nhau, tâm sự cùng nhau về những ước mơ trong cuộc sống. Chúng là hiện thân cho tình làng nghĩa xóm, tình bè bạn tương thân tương ái.
Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào
Cuộc sống và số phận của cò trải bao trắc trở, nó không đơn thuần là sự khó khăn vất vả trong sinh nhai, mà với cò tai hoạ có thể rình rập, hoạn nạn xảy ra thường xuyên:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Tiếng kêu cứu của cò trong đêm sao mà tha thiết thế. Tiếng kêu ấy cũng ai oán như tiếng kêu của những người dân hiền lành lương thiện dưới ách áp bức, bóc lột của bọn cường hào địa chủ. Nhưng điều làm cho ta cảm động là phẩm chất trong sáng cao quý thà chết trong còn hơn sống đục, trong sạch giữa cuộc đời cay đắng.
Cay đắng hơn trong đám tang con cò, cuộc đời hắt hiu nghèo khổ của những người nông dân một thời lam lũ lại hiện ra:
Cái cò chết tối hôm qua
Có hai hạt gạo với ba đồng tiền
Một đồng thuê trống, thuê kèn,
Một đồng mua mã đốt đèn thờ vong.
Một đồng mua mớ rau răm,
Đem về thái nhỏ thờ vong con cò.
Cuộc sống bế tắc, túng bấn tưởng như không bao giờ ngóc đầu lên được. Những tiếng than thở, những giọt nước mắt trong số phận bi thảm là những cảnh đời, những số phận của người nông dân xưa. Qua những dòng thơ về đám ma cò chính là biểu hiện lẽ sống có tình có nghĩa vẹn tròn sau trước.
Ngoài ra còn một số bài ca dao trào phúng mượn hình ảnh con cò để chế giễu những thói hư tật xấu trong nhân dân. Hay ăn quà như: con cò kỳ, thô bạo như con cò quăm.. Những bài ca dao này có tác dụng giáo đục sâu sắc:
Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm!
Con cò trong ca dao dân ca là hình ảnh quen thuộc, nó gắn liền với tâm hồn nhân dân ta. Cái cò đáng yêu, hiền lành in đậm vào mỗi người dân Việt Nam.
Đồng xanh như không thể vắng bóng cò bay lả bay la rập rờn cũng như cuộc đời không thể thiếu lời ru của bà của mẹ. Từ cánh cò trong ca dao giúp ta thêm yêu cuộc sống của người nông dân chân lấm tay bùn. Tất cả đã gắn bó với chúng ta như máu thịt:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
(Nguyễn Đình Thi)
Cảm nhận về hình ảnh con cò trong một số bài ca dao dân ca – Bài làm 2
Cánh cò đối với người nông dân lao động dường như đã trở thành những người bạn thân thiết. Trên cánh đồng bát ngát, có lúc nào mà những người nông dân lại không gặp con cò. Trong ca dao, cái cò chính là hiện thân của những người nông dân lao động bình thường: chất phác, siêng năng, cần mẫn, trải nhiều vất vả gieo neo. Bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” mượn tiếng kêu thương của con cò khi lâm nạn để nói về con người lao động với phẩm chất vốn có của họ: chết vinh còn hơn sống nhục:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Đọc bài ca dao ta có thể cảm nhận đây là một bài ca dao mang tính ngụ ngôn độc đáo. Lý tưởng cuộc sống được trình bày qua con cò đi kiếm ăn gặp nạn:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ở đây nhân vật trọng tâm là con cò. Thường thì cò kiếm ăn vào ban ngày. Như vậy đây là một hoàn cảnh bất bình thường. Vì sao mà cò lại phải lặn lội mò cua bắt tép vào ban đêm? Bởi vì nghèo, kiếm ăn ban ngày gia đình cò không đủ để tồn tại. Người đọc đã thương cảm, cuốn hút ngay khi đọc câu mở đầu. Chữ mà trong câu ca dao làm nổi bật cấu trúc tương phản, gợi nhiều xót xa cho một đời cò. ông Vũ Ngọc Phan ghi: con cò mày đi ăn đêm ăn đêm nghịch lý thì cò lộn cổ xuống ao.
Cần cù, chịu khó kiếm ăn những tưởng sẽ được ấm no hạnh phúc. Bầy cò con chắc chắn sẽ được mẹ tha nhiều mồi về tổ hơn. Cuộc đời vất vả lận đận con cò chịu nhiều đắng cay không thế kế xiết. Con cò đã lộn cổ xuống ao, cò có cánh, cò bay giỏi, cò có rơi xuống ao thì vẫn bay lên được. Thế nhưng cái chết đang đến kề bên, tất cả như quay lưng đi như trách móc cò. Tiếng cò kêu thương trong đêm khuya nghe sầu thảm đến thế:
Ông ơi! ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Từ ông được nhắc lại đến ba lần, hai từ tôi được điệp lại như một nốt nhấn bi thảm của bài ca. Cò mong ông cứu vớt, đoái thương. Ông mà cò gọi có thể là tác giả, một người duy nhất chứng kiến cảnh đau thương ấy. Nếu ta cho con cò là tượng trưng cho nhân dân lao động nghèo khổ bị áp bức bóc lột nặng nề. Ông gặp cò đi kiếm ăn ban đêm, ông đi đâu? Ông cũng có nghĩa là nhân dân là những người chứng kiến đồng loại của mình gặp hoạn nạn trước những lời khẩn khoản:
Ông ơi! ông vớt tôi nao
Lời khẩn cầu của cò hoàn toàn không phải vì sự sống mà cò muốn giãi bày tấm lòng trong sạch của mình:
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Rõ ràng trong lời phân trần này cò không sợ chết mà cò muốn đem cái chết để chứng minh cho tấm lòng trong sạch khi sa vào đường cùng ngõ cụt. Cò đi ăn đêm, nhưng cò không phải là kẻ bất lương, cò hiền lành lương thiện.
Con cò trong bài ca dao này là hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng về người nông dân một nắng hai sương. Đó là những người dân lao động bình thường chịu khó. Bất hạnh của con cò bị lộn cổ xuống ao cũng là sự bất hạnh, hoạn nạn của nhân dân lao động trước áp bức bóc lột sưu cao thuế nặng như Nguyễn Khuyến đã nói:
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò
(Nguyễn Khuyến)
Trải qua hàng ngàn năm, người nông dân Việt Nam đã đổ mồ hôi công sức vất vả làm ăn. Làm ra hạt gạo, củ khoai nuôi sống bản thân nhưng thực ra thân phận của họ chẳng khác nào thân phận con cò trong bài ca dao này. Ước muốn sau cùng của con cò là:
Có xáo thi xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Cò muốn chết nơi nước trong. Nếu phải chọn một trong hai cái chết cò van xin đừng để cho cò chết trong nước đục. Đó là điều đau đớn, tủi lòng nhất đối với cò. Có thể đây là một con cò bé chưa đủ lông đủ cánh, mới lớn lên tập tễnh đi kiếm ăn, chưa hiểu gì nhiều nên đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Hoặc cò con là thế hệ sau mà khi chết con cò không muốn chúng phải đau lòng. Lời van xin của con cò mang nhiều trắc ẩn, người lao động Việt Nam sống cuộc đời bần hàn lam lũ. Đôi khi họ trở thành con cò mà đi ăn đêm, nhưng dẫu sa vào cạm bẫy, bùn nhơ họ vẫn tha thiết với cuộc sống trong sáng, thanh cao.
Đã có những câu tục ngữ nêu lên cách ứng xử: Đói cho sạch, rách cho thơm hay Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Qua thân phận con cò, tác giả dân gian đã nêu lên một triết lý nhân sinh tuyệt đẹp ca ngợi tâm hồn trong sáng nhân hậu thà chết trong còn hơn sống đục. Trong và đục tương phản nhau, lời nguyền khẳng định một lẽ sống cao đẹp của người Việt Nam xưa và nay.
Cuộc đời của anh Pha, chị Dậu, Lão Hạc… có khác gì cuộc đời, thân phận con cò. Họ dù sống trong cảnh bần hàn cơ cực nhưng họ vẫn vươn lên sống như những con người chân chính.
Dân tộc ta hơn 80% làm nghề nông. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, người dân cày Việt Nam bằng chính lòng dũng cảm đã giữ vững nền tự do độc lập và những phẩm chất đáng quý: cần cù, chịu khó, chất phác… Học bài ca dao trên cho chúng ta lòng cảm phục yêu kính họ. Bài học Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn có giá trị sâu sắc đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Cập nhật thông tin chi tiết về Lịch Sử Khai Phá Bình Dương Qua Dân Ca, Thơ Ca Dân Gian Làng Tương Bình Hiệp trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!