Bạn đang xem bài viết Đọc Truyện Cổ Tích Viên Ngọc Ước Của Quạ được cập nhật mới nhất trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
NGHE AUDIO TRUYỆN VIÊN NGỌC ƯỚC CỦA QUẠVIÊN NGỌC CỦA QUẠ
Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời, khi đã lao vào cuộc đánh khăng, đánh đáo hay bày trận, thả diều thì chẳng còn biết gì trời đất. Vì thế đã nhiều phen anh để cho trâu ăn lúa, ăn khoai và cũng nhiều phen, anh bị chủ nọc đánh dữ dội.
Một hôm, Đê cùng các chúng bạn bày cuộc thi bơi lội. Đàn trâu thả trên đồi vắng. Cuộc tranh lèo giật giải đã đến độ làm cho Đê không dứt ra được. Hết lặn đến hụp, bơi sấp đến bơi ngửa, cuộc vui kéo dài mãi đến gần trưa. Bỗng nhiên khi nhìn lên đàn trâu thì thấy mất hút một con. Con trâu ấy lại là con của Đê chăn. Bọn trẻ hoảng hốt chia nhau đi tìm hết bụi bờ này đến lùm đồi kia, chẳng thấy tăm hơi đâu cả. – “Thôi rồi, trâu thằng Đê bị kẻ trộm dắt đi rồi!” Bọn trẻ la lên như vậy rồi đứa nào đứa nấy dong trâu của mình về nhà. Chỉ một mình Đê ở lại vật vã kêu trời khóc đất. Khóc một hồi lâu rồi ngủ quên.
Đang ngủ, thốt nhiên anh tỉnh dậy vì có cái gì chạm vào mặt. Anh hé mắt nhìn thấy một đàn quạ đang xúm quanh. Thì ra chúng tưởng có xác chết nên kéo đến định làm bữa chén. Một con sà vào toan mổ mắt. Thấy thế, Đê lập kế thình lình vùng dậy chụp được chân một con quạ, còn những con khác thì bay tán loạn.
– Hừ, ta sẽ cho mày hay. Dám đến mổ vào mắt ta ư!
Nghe nói thế, quạ hết lời van vỉ:
– Xin ngài tha cho tôi, tôi sẽ biếu ngài một vật quý.
– Vật gì, đưa đây xem!
Quạ vội nhả từ trong miệng ra một viên ngọc nhỏ nhưng sáng lấp lánh, đưa cho anh và nói:
– Đây là viên ngọc nhỏ nhưng quý nhất thế gian. Ngài muốn cầu xin việc gì sẽ có ngay vật đó!
Đê nghĩ:
– Vậy sẵn ta đang mất con trâu, thử cầu xem có hiệu nghiệm chăng. Bèn nói to:
– Ngọc! Ngọc! Ta muốn được một con trâu thay cho con vừa mới mất!
Bỗng chốc từ dưới chân đồi lững thững đi lên một con trâu. Vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, anh vội trả tự do cho quạ rồi cưỡi trâu về.
Từ đó Đê trở lên sung sướng, giàu có. Anh trả trâu cho trọc phú rồi trở về nhà ở với cha mẹ. Nhưng anh chỉ mới dám cầu những cái lặt vặt. Một hôm anh lấy ngọc đặt trong lòng bàn tay mình rồi nói:
– Ngọc! Ngọc! Ta muốn có một tòa lâu đài lộng lẫy và giàu có.
Tự nhiên sáng hôm sau ngủ dậy, anh không thấy mái nhà tranh lụp xụp của bố mẹ nữa, thay vào đó là một ngôi lầu cao ngất, mái ngói tường hoa, cột kèo trạm trổ tinh vi. Đặc biệt là trong nhà mọi thứ bày biện rất sang, kẻ hầu người hạ nhộn nhịp, ngoài vườn cây cối um tùm, trước sân hoa thơm cỏ lạ không thiếu thứ gì. Đê chưa bao giờ thỏa thích đến thế.
Chẳng bao lâu Đê lại lấy ngọc ra cầu:
– Ngọc! Ngọc! Ta muốn có một người vợ đẹp.
Lời ước vừa dứt thì anh đã thấy có một người từ ngoài cửa bước vào. Đó là một mụ mối tìm đến đánh tiếng cô con gái một vị trưởng giả trong vùng. Sau khi cùng mụ đi coi mắt, anh thấy cô gái đúng là một giai nhân mày ngài mắt phượng, xem chừng thiên hạ khó có ai hơn. Mụ mối còn nói:
– Trưởng giả đang lác mắt về sự giàu có của anh. Nếu anh muốn, tôi sẽ lo liệu chu toàn và nhanh chóng.
Đê hết sức mừng rỡ, bèn giao cho mụ mối và người hầu thay mình định liệu mọi việc. Quả như lời mụ nói, không đầy một tuần, cô gái tuyệt sắc nọ đã trở thành vợ anh. Nhưng anh đâu có ngờ vợ mình lại là một người xấu bụng. Lấy chồng, nàng chỉ muốn giúp bố nàng khám phá cho ra cái bí quyết làm giàu nhanh chóng của chồng. Vì vậy, sau khi về làm vợ Đê, nàng thường tỷ tê dò hỏi mọi việc. Nhưng Đê không muốn để ai biết được điều bí mật của mình. Anh chỉ đáp giả lả cho qua trước những câu hỏi tò mò của vợ. Viên ngọc quý anh luôn luôn cất vào một nơi kín đáo. Tuy vậy vợ anh vẫn cố công dò la tìm hiểu không nản. Một hôm vợ mua rượu phục cho chồng uống bí tỉ. Trong cơn say, anh quên hết mọi việc, có gì bí mật đều phun cho vợ biết cả. Nhè lúc Đê nằm mê man, người vợ bèn lấy trộm viên ngọc, rồi lẻn về nhà trưởng giả.
Khi Đê tỉnh dậy, chàng thấy vắng bóng vợ. Đi tìm ngọc cũng không thấy đâu. Biết vợ mình đã lấy trộm mất viên ngọc quý, chàng đành sang nhà trưởng giả mong lấy nghĩa lý làm cho vợ hồi tâm. Nhưng không những vợ anh không chịu nhận việc lấy viên ngọc, mà anh còn bị ông bà trưởng giả xua đuổi thậm tệ. Vừa mất ngọc vừa mất vợ. Đê buồn quá đỗi, thất thểu ra về. Qua một ngôi đền, anh ghé vào nghỉ chân, rồi khi nghĩ đến ngọc, anh khóc tức tưởi. Bỗng có một vị thần râu dài tóc bạc hiện ra trước mặt hỏi:
– Làm sao con lại khóc?
Đê kể lại tình đầu, không giấu giếm một tý gì. Vị thần bảo:
– Con đừng buồn! Ta sẽ bày cho con một cách lấy lại vật quý.
Nói rồi vị thần bước tới chỗ bình hoa trên hương án, bẻ một bông hoa trắng và một bông hoa đỏ, và nói:
– Con hãy mang bông hoa trắng này gài vào cửa nhà nó. Nhất định nó sẽ gặp chuyện không hay. Lúc đó con sẽ dùng bông hoa đỏ để lấy lại viên ngọc.
Nói xong vị thần biến mất. Theo đúng lời thần dặn, Đê bèn đem bông hoa trắng lén đến gài ở cửa sổ nhà trưởng giả, chỗ buồng của vợ rồi ra về.
Lại nói chuyện vợ Đê bấy giờ đang ngồi mân mê viên ngọc quý, chợt ngửi thấy mùi thơm ngạt ngào tỏa khắp gian phòng. Theo mùi tìm kiếm, chẳng mấy chốc nàng đã thấy bông hoa gài ở cửa.
– Quái, làm sao lại có thứ hoa thơm kỳ lạ thế này.
Vừa nói nàng vừa cầm hoa lạ đặt vào mũi hít lấy hít để. Vợ chồng trưởng giả thấy mùi thơm cũng chạy vào cầm lấy bông hoa xem và cũng đưa lên mũi thưởng thức mùi thơm. Nhưng chẳng mấy chốc, họ cảm thấy đầu mũi ngứa ngáy, họ bèn ra sức gãi, nhưng càng gãi mũi càng sưng, và dần dần mọc dài ra. Họ cùng la lên:
– Ôi! Cái hoa này có ma. Mũi tôi làm sao lại thế này.
Ba người nhìn nhau vô cùng hoảng sợ, vì thấy mũi của người nào người ấy không ngừng nhô thêm mãi. Trước chúng còn dòm mồm, sau đã dài quá cằm. Nhưng chúng vẫn chưa chịu dừng. Mũi vẫn thòng xuống quá ngực rồi quá bụng, và còn dài xuống nữa, xuống nữa, gần chấm đất mới chịu thôi.
– Ôi! Xấu hổ quá, trông như cái vòi voi!
Vợ Đê nước mắt đầm đìa nghĩ đến nhan sắc có một không hai của mình trước đây. Cả mẹ lẫn con vội trốn vào buồng tránh mặt kẻ hầu người hạ. Chỉ có trưởng giả lấy khăn che mặt, hối hả bảo người nhà đi mời thầy thuốc. Nhưng khi nhìn thấy bệnh lạ, thầy thuốc nào cũng lắc đầu:
– Cái mũi này của cụ chỉ còn có nước cắt, nhưng cắt chưa chắc đã lành, nó chỉ làm xấu thêm và nguy hiểm nữa là khác.
Hai ngày sau, Đê mới chạy sang nhà bố mẹ vợ, trong bọc có thủ sẵn bông hoa đỏ. Khi thấy cái mũi dài của trưởng giả, Đê không nhịn được cười, hiểu rằng đó là do sự mầu nhiệm của bông hoa thần. Trước câu hỏi của Đê, trưởng giả kể lại đầu đuôi. Đê đáp lời:
– Cái đó không có gì lạ. Nó do việc lấy trộm ngọc của vợ tôi mà ra. Nếu trả lại viên ngọc ấy cho tôi, tôi sẽ có phép làm cho mũi ngắn lại và lành lặn như cũ.
Hai ông bà vừa khóc, vừa bảo Đê rằng:
Của là gạch, nghĩa là vàng,
Của chàng, lại trả cho chàng lo chi. Chàng mà chữa được khỏi đi Vợ thì chàng lấy, ngọc thì chàng mang.
Rồi gọi con đem ngọc ra trả. Sau khi đã nhận đúng viện ngọc của mình, Đê bèn đưa bông hoa đỏ ra cho họ ngửi, chỉ trong chốc lát, cái vòi dần dần co lại, co lại cho đến khi mũi trở lại nguyên hình như xưa.
Đê đưa vợ về, hai vợ chồng từ đó sống với nhau hòa thuận, vui vẻ. Mỗi lần làng xóm có việc gì khó khăn, họ lại cầu xin với Đê để nhờ viên ngọc giúp đỡ.
Về sau, lúc Đê đã già yếu, một hôm đang nằm trên giường bệnh, bỗng thấy con quạ năm xưa đến đậu ở cửa sổ nói với vào:
– Trả ta viên ngọc! Trả ta viên ngọc!
Nghe nói, Đê liền thò tay xuống dưới gối lấy viên ngọc giơ ra cho quạ, nhưng chưa kịp trao thì quạ đã nhảy vào chộp lấy ngọc trên tay rồi bay đi mất.
HẾT
Đọc Truyện Cổ Tích Bà Chúa Tuyết Của Andersen
Mời các bạn và các em cùng truyện cổ tích nổi tiếng của Andersen – Bà chúa Tuyết. Câu chuyện kể cuộc phiêu lưu của cô bé Giéc Đa nhất quyết đi tìm người bạn của mình là Kay. Với tấm lòng trong sáng và trái tim nhân hậu, Giéc Đa đã liên tục nhận được sự giúp đỡ và cuối cùng đã tìm được Kay trong lâu đài của bà chúa Tuyết, giải thoát cho bạn mình khỏi lời nguyền giam giữ.
Đọc câu chuyện đặc sắc Bà chúa Tuyết của Andersen để cùng cảm nhận cái lạnh của mùa đông phương Bắc, cũng như sự ấm áp của tình người và tình bạn trong sáng giữa hai đứa trẻ Giéc Đa và Kay.
BÀ CHÚA TUYẾT Hans Christian Andersen Truyện thứ nhất Tấm gương và những mảnh gương vỡ
Các bạn hãy chú ý. Tôi bắt đầu kể. Đến khi kể hết truyện chúng ta sẽ hiểu hơn lúc ban đầu vì đây là chuyện một con quỷ!
Một hôm quỷ ta rất vui sướng vì đã làm ra một tấm gương rất kỳ lạ. Những vật tốt đẹp soi vào đấy đều chẳng ra cái gì cả, trái lại những vật xấu xí lại càng rõ nét và nổi bật hẳn lên, trông lại càng xấu xí hơn. Những phong cảnh đẹp thì trông như mớ rau muống luộc, những người tốt nhất trở thành đáng ghét hay là đi lộn đầu xuống đất, có khi mất cả bụng. Mặt họ méo mó đến nỗi người ta không thể nhận ra họ nữa. Nếu người ta chỉ có một vết tàn nhang thôi thì nhìn vào gương, vết tàn nhanh ấy sẽ lan ra khắp mũi và xung quanh mồm. Quỷ cho thế là thích thú lắm. Khi một người có một ý nghĩ tốt thì ý nghĩ đó sẽ phản ảnh trong gương thành những nét nhăn nhó và quỷ ta cười khoái trá về phát minh xảo quyệt của hắn.
Tất cả đồ đệ của quỷ (vì quỷ có một trường phái) kể lại rằng tấm gương ấy là một kỳ quan. Chúng bảo:
– Bấy giờ người ta có thể biết bộ mặt thật của thế giới và loài người.
Và chúng mang tấm gương đi khắp nơi đến nỗi chẳng một vật nào, chẳng một người nào không bị quỷ làm méo mó đi. Chúng muốn bay lên tận trời để nhạo báng các tiên đồng và cả chúa trời nữa. Chúng càng bay cao, gương càng nhăn nhó. Khó nhọc lắm chúng mới giữ nổi gương. Chúng bay lên, bay lên mãi và cuối cùng bay đến gần Thượng đế và các tiên đồng. Tấm gương nhăn nhó, rúm ró lại cong queo đến nỗi tuột khỏi tay lũ quỷ và rơi vỡ tan ra cả triệu mảnh.
Như thế sự tác hại còn lớn hơn trước nữa, vì một số mảnh chỉ bằng hạt cát bị cuốn bay khắp thế giới và một khi đã bay vào mắt người thì người ấy nhìn mọi vật đều có phép ma như cả tấm gương lớn.
Một số người bị mảnh gương bắn vào tim, thật là khủng khiếp vì tim họ trở thành lạnh như nước đá. Có mấy mảnh to có thể làm kính được, nhưng chớ có nhìn bạn bè qua những tấm kính ấy!
Còn thằng quỷ thì được mẻ cười vỡ cả bụng…Than ôi! Cho đến ngày nay trong không trung còn vô khối mảnh vỡ của tấm gương thần.
Truyện thứ hai Hai em bé
Giờ mời các bạn nghe một truyện khác.
Giữa một thành phố, dân cư đông đến nỗi không đủ chỗ để mỗi người có một mảnh vườn con, phải trồng hoa trong chậu. Tuy nhiên cũng có hai em bé nghèo khổ có được một mảnh vườn lớn hơn chậu hoa một tí. Chúng chẳng phải là anh em ruột nhưng chúng yêu thương nhau như con một nhà. Cha mẹ chúng ở cạnh nhau, trên hai buồng gác sát mái nhà. Ở giữa hai căn buồng, có máng nước, mỗi buồng có một cửa sổ nhỏ. Chỉ cần bước qua máng nước là nhà nọ sang nhà kia được.
Cha mẹ chúng treo dưới mái nhà một cái thùng gỗ lớn, trồng rau trong thùng để ăn và cả một cây hoa hồng nữa. Như thế là một thùng có một gốc hồng và những gốc hồng này mọc rất khỏe.
Cha mẹ chúng nghĩ ra cách đặt hai thùng trên máng nước và làm thành một chiếc cầu bắc giữa hai cửa sổ, có thể gọi đó là một cái vườn nhỏ, các thứ cây trong vườn mọc rất tốt. Những quả đậu lủng lẳng trên thùng gỗ, hồng uốn cành quấn quanh cửa sổ, cây nọ ngả vào cây kia, trông như một khải hoàn môn xanh tươi kết bằng hoa lá.
Hai trẻ được phép chơi với nhau trên mặt thùng. Chúng ngồi trên những cái ghế con, dưới đám hoa hồng và chơi đùa ngoan ngoãn.
Mùa đông đến, cửa kính phủ đầy băng giá. Hai trẻ, em trai tên là Kay, em gái là Giécđa, lấy tiền siling bằng đồng hơ vào bếp lò rồi ép tấm kính lạnh ngắt và như thế là trên mỗi cửa kính thành hình một lỗ kính trong, tròn và nhỏ, có thể nhìn qua được.
Mùa hè chỉ nhảy một bước chúng đã sang tới nhà nhau rồi, nhưng mùa đông thì phải leo lên leo xuống rất nhiều cầu thang mới gặp nhau được, ngoài trời tuyết bay tới tấp. Bà của Kay nói:
– Đàn ong trắng đang vo ve đấy.
– Chúng có chúa không, hở bà?- Kay hỏi bà vì nó biết rằng ong thì phải có chúa.
Bà đáp:
– Nhất định là có chứ! Ong chúa bay ở nơi tuyết rơi dày đặc nhất. Ong chúa to nhất đàn và chẳng bao giờ nó đậu trên đất cả. Nó bay luôn luôn vào trong mây. Nhiều đêm đông, nó bay qua các phố trong thành và nhìn qua cửa kính. Lúc đó cửa kính phủ đầy băng giá, hình thành những bông hoa trắng đẹp tuyệt vời.
– Ồ! Vâng, cháu đã thấy rồi!- Hai đứa bé đồng thanh nói vì chúng tin rằng bà cụ nói thật.
– Bà chúa tuyết có vào nhà được không, hả bà?- Giécđa hỏi.
– Có chứ, bà đáp.
– Cứ vào đây mà xem! Kay nói. Mình sẽ cho bà ấy lên bếp lò nóng để cho bà ấy chảy tan ra.
Bà Kay vuốt tóc cháu và kể sang những chuyện khác.
Buổi tối, Kay mặc quần áo lót, trèo lên chiếc ghế tựa gần cửa sổ và nhìn qua một lỗ, ra ngoài trời. Vài bông tuyết rơi xuống, một bông lớn nhất bám vào cạnh thùng gỗ. Bông tuyết lớn lên, lớn mãi, rồi biến thành một người đàn bà mặc áo trắng dài rực rỡ, trông như dệt bằng ức triệu sợi bông nhỏ ti có điểm sao. Trông bà ta lịch sự và đáng yêu, nhưng người bà toàn băng giá, trông lóa cả mắt. Tuy nhiên bà ta vẫn có vẻ như một người thật.
Mắt bà như đôi sao sáng, nhìn mãi không chớp. Bà ta nhìn về phía cửa sổ, gật đầu và vẫy tay. Kay hoảng sợ nhảy tọt xuống dưới ghế. Hình như cu cậu trông thấy một con chim lớn bay qua cửa sổ con sát mái nhà.
Ngày hôm sau, trời rét khan. Rồi tuyết tan, mùa xuân lại tới. Mặt trời rọi sáng, cây cỏ xanh tươi, chim nhạn làm tổ, cửa sổ mở ra và hai đứa trẻ lại ra ngồi chơi trong cái vườn nhỏ cao tít, trên chốc các tầng gác, gần máng nước sát mái nhà.
Hè tới, hồng trổ hoa rực rỡ. Bé Giécđa đã học thuộc một bài thánh ca thi nói đến hoa hồng, bé hát cho Kay nghe:
Hoa hồng mọc trong thung lũng, Nơi mà Đức chúa Giêxu đang phán bảo ta.
Đôi trẻ, tay cầm tay, hôn vào những bông hồng, ngắm nhìn mặt trời trong sáng của Thượng đế và nói với lên như là nói với chúa Giêxu vậy. Những ngày hè sao mà đẹp thế! Sung sướng thay các cảnh được ra chơi với nhau bên những gốc hồng tươi tốt không ngừng nở hoa!
Kay và Giécđa đang ngồi xem tranh vẽ súc vật trong một quyển sách. Đồng hồ ở gác chuông nhà thờ điểm năm giờ, bỗng nhiên Key kêu lên:
– Ái, mình đau nhói ở tim và có vật gì bắn vào mắt mình ấy!
Giécđa chẳng trông thấy gì cả.
– Có lẽ nó bắn ra kia rồi!- Kay nói.
Nhưng Kay đã nhầm. Chính là một trong những mảnh gương quái ác, chắc các bạn còn nhớ tấm gương quỷ quái làm cho tất cả những cái gì cao quý và đẹp đẽ soi vào sẽ trở thành bần tiện và xấu xa, còn cái gì đã xấu xa soi vào gương càng xấu xa thêm và từng tật của từng vật sẽ bị bộc lộ ngay lập tức. Kay đáng thương vừa bị một mảnh gương ấy bắn vào tim và từ đấy tim của Kay không thấy đau đớn nữa, nhưng tai hoạ đã đến với em. Kay hỏi Giécđa:
– Sao lại khóc hử? Trông Giécđa xấu quá đi mất! Tôi chẳng thích cái gì cả. Phì! Cái hoa hồng này bị sâu ăn rồi. Cái này thì héo rồi. Toàn những loại hồng vất đi cả, trông giống như những cái thùng gỗ trồng cây hồng ấy!
Vừa nói chú vừa đá mạnh vào thùng và vặt hai bông hồng.
– Kay, làm gì thế?- Giécđa thét lên.
Nhưng khi thấy bạn sợ hãi, Kay vặt thêm bông hồng nữa và chạy ra cửa sổ, tác xa bé Giécđa đáng yêu.
Giécđa mang tập tranh đến, Kay chế giễu những bức tranh đẹp và quyển sách tốt ấy. Khi bà Kay kể chuyện cổ tích, Kay vẫn tới nghe như cũ, nhưng làm sao mà cắt nghĩa được sự thay đổi của chú bé? Chú ngồi ra đằng sau bà cụ, đeo kính vào rồi nhại lại những lời cụ kể. Chú bắt chước khéo lắm, làm cho mọi người đều phì cười. Ít lâu sau, chú bắt chước và đi theo tất cả mọi người trên đường phố. Ai có tật gì kì quái hoặc xấu xí, Kay bắt chước được ngay và mọi người đều khen:
– Thằng bé này thật thông minh!
Chính mảnh gương vỡ đã bắn vào mắt Kay, chính mảnh gương vỡ đã chui vào tim em bé, phải, chính vì thế mà em đã chế nhạo đến cả Giécđa mà trước đây em rất mực yêu quý. Những trò chơi giữa đôi trẻ trước đây vui vẻ là thế, giờ không còn gì là hứng thú.
Một ngày mùa đông, tuyết rơi không ngớt, Kay mang ra ngoài trời một kính hiển vi rồi giơ vạt áo hứng những bông tuyết. Kay bảo:
– Giécđa nhìn qua kính mà xem này!
Mỗi bông tuyết hình như lớn hẳn lên, trông giống như một đóa hoa rực rỡ hay giống như một ngôi sao mười cánh! Thật là đẹp!
– Đẹp sao đẹp thế!- Kay nói- Giécđa thấy không? Đẹp bằng mấy hoa thực ấy chứ! Hoa tuyết chẳng có tý tì vết nào, thật là hoàn toàn cho đến lúc nó tan thành nước.
Lát sau, Kay, tay đi găng, vác chiếc xe trượt tuyết tới. Em nói với Giécđa:
– Tớ được phép đi trượt tuyết ở quảng trường với mọi người đây.
Nói rồi Kay ra chỗ bãi trượt tuyết. Những trẻ can đảm nhất thường hay buộc xe trượt tuyết sau xe của các bác nông dân để được đi chơi xa. Trò chơi ấy thật là thú vị. Bọn trẻ đang nô đùa với nhau, bỗng có một chiếc xe trượt tuyết lớn đi tới, một người đàn bà ngồi trong, quấn mình trong chiếc áo choàng lông trắng và đội một chiếc mũ trắng. Chiếc xe chạy quanh bãi hai vòng.
Kay buộc xe của mình vào sau xe ấy và trượt theo. Họ đi vào phố cạnh đấy. Chiếc xe trượt đi mỗi lúc một nhanh hơn. Người đàn bà ngồi trên xe quay lại mỉm cười với Kay, hình như bà quen biết em thì phải. Mỗi lần Kay định tháo xe của mình ra thì người đàn bà lạ mặt lại lắc đầu ra hiệu, làm cho Kay không dám cử động nữa. Cứ như thế họ ra tới cửa ô. Lúc ấy tuyết rơi dày đặc đến nỗi Kay không nhìn thấy hai bàn tay của em nữa.
Kay vội vàng tháo dây thừng nối xe của em vào xe trượt lớn, nhưng vô hiệu. Chiếc xe nhỏ của em như bị nối liền vào xe lớn và bị lôi theo nhanh như gió.
Kay kêu lên rất to, nhưng chẳng có ai nghe thấy cả. Tuyết rơi quay cuồng và xe vẫn cứ chạy. Thỉnh thoảng xe lại xóc lên như chạy qua những cánh đồng và thảo nguyên vậy. Kay lo sợ. Em muốn đọc một bản kinh, nhưng em chỉ nhớ có bản cửu chương mà thôi.
Những bông tuyết lớn, lớn mãi, lớn bằng những con gà. Ngựa kéo xe bỗng nhảy tránh sang một bên. Chiếc xa dừng lại và người ngồi trên xe đứng dậy. Áo choàng và mũ người ấy đầy những tuyết. Đó là một bà có vẻ quý phái, cao lớn, cứng cỏi, trắng toát: Bà chúa tuyết.
– Thế là chúng ta đã đến nơi bình yên vô sự!- Bà nói- Nếu em rét thì chui vào tấm da gấu của ta.
Bà đặt Kay vào trong xe. cạnh bà, và kéo chiếc áo choàng lông thú lên người em. Em ngồi đó như bị vùi trong một đống tuyết.
– Em còn rét không?- Bà vừa hỏi vừa ôm hôn lên trán em.
Cái hôn lạnh buốt và thấm vào tận tim Kay. Trái tim bị lạnh như băng giá. Em cảm thấy như sắp chết!
Nhưng cảm xúc ấy chỉ thoáng qua một lát thôi. Xung quanh em mọi vật đều mờ nhạt, không trông rõ. Em kêu lên:
– Cái xe trượt của tôi! Chớ có quên cái xe trượt của tôi!
Đó là vật đầu tiên mà em nghĩ đến sau khi tỉnh lại. Bà ta buộc xe của em lên lưng một con gà trắng, nó bay sau họ, mang theo chiếc xe trên lưng. Bà lại hôn Kay một lần nữa, em quên hẳn bé Giécđa, bà và bố mẹ em.
– Ta chỉ hôn em lần này nữa thôi, Bà chúa tuyết nói, vì em sẽ chết nếu ta hôn em lần nữa.
Kay nhìn bà ta. Bà rất đẹp. Không ai có thể tưởng tượng được một khuôn mặt nào diễm lệ hơn. Bà không cuộc sống vẻ lạnh lùng như băng giá như hôm bà vẫy tay ra hiệu cho Kay ngoài cửa sổ nhà em. Đối với Kay, bà thật là hoàn mỹ. Em không cảm thấy sợ hãi nữa và kể với bà là em biết làm tính nhẩm, biết làm toán luật ba, biết diện tiác và dân số của vài nước. Bà chúa tuyết mỉm cười. Kay cảm thấy sự hiểu biết của mình chưa đâu vào đâu và em đã đưa mắt nhìn ra khoảng không bao la. Gió bão rít lên điên cuồng, nghe thoáng như có tiếng vọng của những bài hát cổ.
Họ vượt qua nhiều rừng rậm hồ ao, biển cả và đất đai. Một luồn gió lạnh như băng thổi dưới chân họ, chó sói hú vang, tuyết lóng lánh, quạ đen vừa bay vừa kêu ran. Ban đêm trăng lấp lánh chiếu khắp bầu trời. Ban ngày Kay ngủ dưới chân Bà chúa tuyết.
…
Đọc Truyện Cổ Tích Cậu Bé Tích Chu
Mời các bạn và các em cùng đọc câu chuyện cổ tích Việt Nam Cậu bé Tích Chu. Tích Chu vì ham chơi không chăm sóc bà nên bà của cậu đã biến thành chim, cậu vô cùng ân hận đã đi tìm nước suối Tiên để cứu bà. Từ đó, Tích Chu đã trở thành một cậu bé rất hiếu thảo.
> Nghe Audio Truyện Cậu Bé Tích Chu < TRUYỆN CẬU BÉ TÍCH CHU
Ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật để kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức ăn gì ngon bà cũng nhường cho Tich Chu. Ban đêm khi Tích Chu ngủ thì bà thức để quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người nói với bà:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên thể nào Tích Chu cũng không bao giờ quên ơn bà đâu.
Thế nhưng Tích Chu lớn lên lại chẳng thương bà. Bà thì làm việc vất vả, còn Tích Chu thì suốt ngày rong chơi với bạn bè. Vì làm việc mệt nhọc, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. vì Tích Chu còn mải rong chơi với bạn bè. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước nào. Bà khát khô cả cổ rồi!
Bà gọi một lần… hai lần… rồi ba lần… nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Khi Tích Chu về nhà thì thấy bà đã hóa thành con chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:
– Bà ơi, bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà. Bà ơi!
– Cúc… cu… cu! Cúc… chúng tôi Chậm mất rồi cháu ạ. Bà khát quá, không thể chụi nổi, phải hóa thành con chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây! Bà không về với cháu nữa đâu!
Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu vội chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà. Cháu sẽ giúp đỡ bà. Cháu sẽ không làm cho bà buồn nữa đâu!
– Cúc… cu… cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!
Nghe tiếng chim nói, Tích Chu òa lên khóc. Tích Chu thương bà và hối hận lắm. Giữa lúc đó một bà Tiên hiện ra. Bà Tiên bảo Tích Chu:
– Tích Chu ơi! Nếu cháu muốn cho bà cháu trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?
Cậu bé Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay. Tích Chu chạy mãi, chạy mãi vượt qua bao nhiêu rừng núi hiểm trở, cuối cùng Tích Chu cũng đến được suối tiên. Chú vội vàng lấy đầy bình nước mang về cho bà. Về đến nhà Tích Chu gọi to:
– Bà ơi! Bà ơi! Cháu mang nước về cho bà rồi đây. Bà mau uống đi.
Vừa được uống nước bà Tích Chu trở lại thành người. Tích Chu ôm chầm lấy bà vừa khóc vừa nói:
– Bà ơi! Cháu biết lỗi rồi, từ nay trở đi cháu sẽ luôn ở bên và chăm sóc bà.
Từ đấy, cậu bé Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà. Hai bà cháu lại chung sống hạnh phúc bên nhau.
HẾT
Đọc Truyện Cổ Tích Bộ Quần Áo Mới Của Hoàng Đế
Ngày xưa, có một vị hoàng đế giàu sang và quyền lực thích quần áo mới đến nỗi ngài luôn muốn mình phải là người đầu tiên sở hữu những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất, và độc đáo nhất trong thiên hạ. Suốt ngày ngài chỉ làm một việc duy nhất là thay quần áo mới. Ngài chẳng ngó ngàng gì tới binh sĩ, triều chính. Người ta thường nói:
– Hoàng đế đang lâm triều.
Nhưng đối với vị vua này người ta phải nói:
– Hoàng đế đang mặc áo – Có vậy ngài mới vừa ý.
Một hôm, có hai người lạ mặt đến hoàng cung tự xưng là thợ dệt và khoe rằng họ có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp xưa nay chưa từng có trong thiên hạ. Quần áo may bằng thứ vải ấy có một đặc tính kỳ lạ: ai là kẻ nịnh nọt hoặc ngu xuẩn thì không cách nào nhìn thấy được bộ quần áo, dù đứng rất gần.
Hoàng đế tự nhủ:
– Ðấy mới là bộ quần áo duy nhất, ta chỉ cần mặc vào là biết ngay trong đám quan lại của ta đứa nào nịnh nọt, đứa nào ngu xuẩn, đứa nào không làm tròn bổn phận… Ta phải may một bộ như vậy mới được.
Hai người thợ may bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào làm như đang dệt thật, nhưng tuyệt nhiên khung chẳng có gì. Họ đòi bằng được thứ sợi tơ đẹp nhất, thứ vàng quí nhất, đem bỏ túi rồi giả vờ làm việc trên khung cửi rỗng tuếch. Hoàng đế nóng lòng muốn xem họ làm việc, nhưng nhớ đến đặc tính kỳ lạ của thứ vải ấy, tự nhiên Ngài đâm ngại. Ngài bèn sai quan thừa tướng đến xem.
Quan thừa tướng vừa giương to đôi mắt vừa tự nhủ:
– Lạy Chúa, ta chẳng nhìn thấy gì cả
Nhưng may mà ông nén lại được, không nói ra điều ấy. Hai người thợ may đến gần bắt chuyện và hỏi ngài xem vải có đẹp không.
– Thật là tuyệt! Hoa văn, màu sắc thật không thứ vải nào sánh nổi. Chiếc áo sẽ rất hợp với vị chủ nhân tương lai của nó!
Quan tể tướng trả lời nhưng trong lòng lo ngay ngáy. Ông lo họ bắt đầu ngờ rằng mình là kẻ nịnh nọt, ngu xuẩn, ngốc nghếch và trễ nải với công việc.
Hai người lợi dụng dịp may, lại kỳ kèo xin thêm vàng để thêu vào vải. Họ lại thủ vàng vào túi và say sưa làm việc trên khung cửi rỗng không.
Chẳng bao lâu, hoàng đế lại cử một viên đại thần khác đến xem vải. Hai người chỉ vào tấm vải tưởng tượng và chứng minh cho quan đại thần đây là tấm vải xưa nay trên đời có một không hai.
Quan đại thần tự nhủ:
– Mình đâu phải là thằng ngu hay là mình không làm tròn phận sự. Dẫu sao cứ dấu biến đi là hơn cả
Nghĩ vậy, ngài vờ ngắm nghía, vuốt ve tấm áo tưởng tượng rồi đưa tay lên xoa cằm, gật gù chép miệng. Sau đó ngài quả quyết với hai người kia là ngài chưa thấy thứ vải nào đẹp bằng và cũng như quan thừa tướng lần trước, ngài lại trở về và kính cẩn tâu với hoàng đế:
– Muôn tâu bệ hạ, không có gì đẹp bằng, chiếc áo ấy hợp với bệ hạ vô cùng
Khắp kinh thành nô nức bàn tán về thứ vải kỳ lạ ấy. Không thể dằn lòng được, hoàng đế đành phải đích thân đến xem vải. Ngài không quên dắt theo một bọn nịnh thần.
Ðến nơi ngài thấy hai người vẫn đang mãi mê làm việc. Hoàng đế nghĩ thầm:
– Quái, ta chẳng nhìn thấy gì cả. Chẳng lẽ một vị hoàng đế mà lại ngu ư?
Ngài bèn gật đầu lia lịa:
– Ðẹp lắm, đẹp lắm – Ngài ra vẻ hài lòng ngắm nghía hai chiếc khung cửi, không dám thú nhận là chẳng nhìn thấy gì.
Bọn nịnh thần xuýt xoa phụ họa:
– Thật là tuyệt vời !
Và họ khuyên hoàng đế nên mặc bộ quần áo vô song đó trong ngày lễ rước thần sắp tới.
Hoàng đế ban cho hai thợ dệt mỗi người một tấm bội tinh và danh hiệu “Thợ dệt của nhà vua”. Suốt đêm hôm trước ngày lễ rước thần, hai thợ dệt làm việc cật lực dưới ánh sáng của 16 ngọn đèn. Họ giả vờ cắt, may, khâu, đính suốt đêm.
Cuối cùng bộ quần áo coi như may xong, kịp cho ngày lễ rước thần. Hoàng đế và các vị đại thần tới. Hai ông thợ dệt của nhà vua vờ giơ tay lên trời như nâng vật gì và tâu:
– Ðây là quần, còn đây là áo thưa Bệ Hạ. Quần áo này nhẹ như màng nhện, mặc vào mà tưởng như không và đấy cũng là một trong những đặc tính quí báu vô cùng của thứ vải nầy.
– Ðúng đấy ạ! -Bọn nịnh thần phụ hoạ tuy thật ra chẳng ai trong số họ thấy gì.
Hai ông thợ may lại nói:
– Muôn tâu thánh thượng, cúi xin ngài cởi quần áo ra và đứng trước gương lớn, chúng thần xin mặc áo mới cho bệ hạ.
Hoàng đế cởi sạch trơn quần áo. Hai ông thợ dệt của nhà vua làm bộ như mặc từng cái quần, cái áo mới vào người hoàng đế, rồi quàng tay quanh thân ngài như khoác đai lưng. Hoàng đế quay đi quay lại ngắm nghía trước gương. Bọn nịnh thần đồng thanh hô to:
– Trời, bộ quần áo sao mà đẹp quá chừng, từ thưở cha sanh mẹ đẻ tới giờ chúng thần chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một kiệt tác thần tiên giữa cõi trần như vậy.
Quan trưởng lễ báo tin:
– Long tán đã đến, chờ Hoàng Thượng đi rước thần.
Nhà vua đáp:
– Ta đã sẵn sàng.
Rồi ngài lại nhìn vào gương mà ngắm nghía. Các quan thị vệ có nhiệm vụ đỡ đuôi áo, thò tay sát đất giả đò như cầm lên một vật gì, rồi vừa đi vừa đỡ cái vật vô hình đó trên không, chẳng dám nói là mình không nhìn thấy gì!
Ngoài phố mọi người cũng liên tục trầm trồ khen bộ quần áo mới của hoàng đế vì không ai muốn mang tiếng là ngu xuẩn hoặc không làm tròn trách nhiệm. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:
– Kìa! Hoàng đế cởi truồng kìa.
Mọi người chung quanh đều nghe rõ câu nói của đứa bé nhưng ai cũng giả vờ như… chẳng nghe. Ðức vua truyền lệnh quay về lập tức… Có lẽ ngài cảm thấy choáng váng…
Một chiếc kiệu vàng được vời đến, bốn chiếc rèm ngọc được buông xuống và đoàn nhạc cất cao bản “Hồi cung”.
Cập nhật thông tin chi tiết về Đọc Truyện Cổ Tích Viên Ngọc Ước Của Quạ trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!