Xu Hướng 6/2023 # Công Chúa Ma Cà Rồng # Top 15 View | Kovit.edu.vn

Xu Hướng 6/2023 # Công Chúa Ma Cà Rồng # Top 15 View

Bạn đang xem bài viết Công Chúa Ma Cà Rồng được cập nhật mới nhất trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.

Công chúa Ma Cà Rồng

Một ông vua nọ có cô con gái duy nhất, rất đẹp nhưng hơi kỳ dị. Cô nói rất ít và đi lang thang trong cung điện. Càng lớn, cô càng ngủ nhiều. Đến nỗi một buổi sáng, không có cách gì đánh thức cô dậy dược. Người ta lay cô, hứa hẹn đủ điều, cô ngủ càng say. Tuy nhiên người ta thấy là cô không chết: da mặt cô hồng hào và cô thở đều đặn.

Nhà vua gọi các thầy thuốc danh tiếng nhất tới. Họ bàn cãi, hỏi ý kiến nhau, bốc đủ thứ thuốc nhưng vô hiệu. Cô gái đẹp ngủ say sưa, không thức dậy.

Một hôm, một bà già Di-gan tình cờ tới gần lâu đài, dừng lại ở cổng để xin một chút thức ăn và quần áo cũ. Vợ của người canh cổng có lòng tốt, cho những thứ bà có. Bà già Di-gan cám ơn và khi từ giã, bà nói:

– Tôi nghe nói rằng ở đây có một công chúa ngủ không thức dậy. Nếu đó là con tôi, tôi biết phải làm gì.

– Bà sẽ làm gì? người đàn bà tốt bụng hỏi.

– Tôi sẽ đi tìm Chtara-Khengero để hỏi ý kiến – bà già Di-gan trả lời.

– Chtara-Khengero là ai? Chưa bao giờ tôi nghe nói tới người có tên đó.

– Nó không phải là người, nó là một con vật. Nó sống trong rừng sâu và không phải dễ gặp. Nó có bốn mắt, hai ở phía trước và hai ở phía sau, và vì vậy mà người Di-gan chúng tôi gọi nó là Chtara-Khengero, nghĩa là Bốn Mắt. Nó không bao giờ ngủ và nó biết hết mọi chuyện. Nhưng đó là một con vật tham ăn. Nếu đức vua cho tôi hai con cừu đực béo, hai con gà trống và hai chục trứng với hai tảng bơ, tôi sẽ cố tìm Bốn Mắt để hỏi coi công chúa mắc bệnh gì.

Người đàn bà bảo bà già Di-gan đợi một lúc và đi tìm đức vua. Vua nói:

– Được, cho bà ta những thứ bà yêu cầu và nói ta sẽ cho gấp đôi nếu bà ta tìm được con vật và đem về được lời khuyên có ích.

Bà già Di-gan lấy hai con cừu đực, hai con gà trống, hai chục trứng và hai tảng bơ; bà đem phân nửa về nhà và đi tìm Bốn Mắt với phân nửa còn lại. Cuối cùng bà tìm được nó vì người Di-gan hiểu biết rừng sâu hơn người bình thường. Bà để quà dưới chân nó và hỏi phải làm gì cho cô công chúa ngủ mê. Bốn Mắt nhìn con cừu đực, con gà trống, một chục trứng và tảng bơ rồi nói:

– Tôi muốn khuyên bà lắm, chớ sao không. Nhưng trước hết tôi muốn biết bà đã làm gì phân nửa số thức ăn này?

– Ta biết là ngươi có thể đoán biết mọi chuyện và ta không tìm cách lừa gạt ngươi – bà già Di-gan hết đường chối cãi. Nhưng ta còn con cái ở nhà và chúng cũng đói như ngươi. Ta sẽ đem tới cho ngươi tất cả những thứ nhà vua đã cho ta, nếu ngươi cho biết công chúa mắc bệnh gì. Bốn Mắt nói:

– Được, nhưng bà nên nhớ, nếu bà không giữ lời hứa, tôi sẽ không bao giờ cho bà lời khuyên bảo nữa. Công chúa là ma cà rồng. Phải có thịt và máu người. Nếu không có những thứ đó, nàng sẽ chết, và đó có lẽ là điều tốt nhất cho nàng và cho mọi người. Nhưng nếu nhà vua muốn nàng sống với bất cứ giá nào, thì ông phải đặt nàng vào quan tài, để quan tài trong nhà thờ nhỏ ở hoàng cung và mỗi đêm cho một người lính tới canh. Người lính sẽ chết trước bình minh và công chúa sẽ sống chừng nào nhà vua còn hy sinh những người lính của mình.

Bà già Di-gan cám ơn Bốn Mắt. Bà tới hoàng cung và nói lại hết cho vua nghe. Nhà vua vô cùng sầu não, nhưng rồi ông tự nhủ, thà bắt những người lính chịu chết hơn là để con mình phải chết. Vì vậy ông cho đóng một chiếc quan tài thật đẹp, đặt công chúa vào rồi để quan tài trong nhà nguyện. Sau đó nhà vua gọi những người lính cận vệ tới – đúng một trăm người – và yêu cầu một người lính tình nguyện canh giữ công chúa. Người lính canh được thưởng một bữa tiệc đế vương và hôm sau sẽ được về thăm gia đình. Dĩ nhiên, cả trăm người tình nguyện. Nhưng nhà vua chọn một trong những người vừa lòng ông ít nhất vì anh ta lé mắt. Những người lính kia ghen tị với anh ta. Nhưng lòng ghen tị của họ chỉ kéo dài tới sáng hôm sau. Khi những người lính vào nhà nguyện thay phiên cho người bạn, họ thấy anh đã chết. Tuy nhiên, không có một giọt máu. Họ thấy chuyện đó lạ lắm. Tối đó, không có ai tình nguyện nữa.

Nhà vua lại phải chọn người. Lần này là một anh lính đáng thương. Anh không được lòng nhà vua vì anh sứt môi. Anh lính tội nghiệp không thể làm gì hơn là tuân lệnh. Sáng hôm sau, khi người ta thấy anh lính canh thứ hai chết, nhà vua không còn bắt buộc được người canh đêm thứ ba nữa. Vì vậy ông ra lệnh bốc thăm: ai được chỉ định phải đi tới nhà nguyện, nếu không sẽ bị chém đầu.

Số phận rơi vào một người lính đã phục vụ nhà vua được bảy năm và sắp được về nhà. Đó là một người Di-gan có bốn đứa con. Anh bị bắt đi lính vì dáng điệu hùng dũng và vóc vạc cao lớn, bất chấp tình trạng đông con của anh. Những người tuyển mộ của nhà vua không cần biết tới tình trạng đó. Vì vậy anh lính Di-gan đã phục vụ bảy năm và đã bắt đầu tính những ngày anh còn phải phục vụ nhà vua thì – thật không may! – anh bốc trúng thăm đi canh công chúa đêm đó. Anh phí công khóc lóc, van nài một người khác đi thay anh vì dầu sao thì anh cũng gần như đã hết hạn phục vụ, nhưng dĩ nhiên là không ai muốn hy sinh. Chiều đó, anh được ăn uống như vua, nhưng anh không thấy ngon lắm vì anh nghĩ rằng có lẽ hôm sau anh sẽ gặp lại tổ tiên ở thiên đường. Vì nhiệm vụ của anh chỉ bắt đầu sau khi trời tối và vì lúc đó cũng còn sớm nên anh tản bộ một chút trong sân lâu đài và suy tư về số phận đáng buồn của mình. Bỗng anh đụng đầu một bà già Di-gan. Đó là bà già đã cho nhà vua biết công chúa là ma cà rồng. Hôm đó bà trở lại lâu đài để nhận phần thưởng còn lại mà bà không thể lấy hết một lần.

– Chào bà – anh lính thiểu não nói.

– Chào con – bà già Di-gan nhận thấy ngay là anh lính cùng nòi giống với mình. Sao mà buồn thảm vậy? Có người thân mất phải không?

– Không có người nào chết cả, nhưng có lẽ sáng mai tôi sẽ chết – anh lính thở dài.

– Nhưng con đâu có vẻ gì sắp chết – bà già cười. Một gã trai mạnh khỏe như con phải sống ít nhất một trăm năm.

Nhưng anh lính giải thích là đêm nay anh phải ở trong nhà nguyện và nói cho bà biết những người canh giữ công chúa hai đêm trước đã gặp chuyện gì. Bà già biết ngay đó là chuyện gì và thương hại cho anh lính.

– Chừng nào con phải canh công chúa – bà hỏi.

– Khi trời tối.

– Cứ đi đi, con còn thì giờ. Con cứ vào nhà nguyện, đừng sợ gì cả, trước nửa đêm thì không có chuyện gì đâu. Hãy chờ ta. Ta sẽ tới và cho con biết phải làm gì để khỏi chết.

Anh lính có lại chút can đảm, cám ơn bà già và đi tới nhà nguyện. Bà Di-gan trở về nhà ngay. Bà lấy trong phần thưởng của mình một con cừu đực, một con gà trống, một chục trứng và một tảng bơ và chạy tới chỗ Bốn Mắt.

– Đây, cái ta đã hứa với ngươi – bà nói. Nhưng ngươi còn phải nói cho ta biết cách tránh cái chết cho người lính sẽ canh giữ công chúa ma cà rồng đêm nay. Đó là một người bạn tốt và anh ta rất tử tế.

– Dễ lắm – Bốn Mắt trả lời. Anh ta phải nấp sau bàn thờ trước nửa đêm. Đúng nửa đêm, công chúa sẽ thức dậy, nhưng nếu nàng thấy không có ai, nàng sẽ nằm và ngủ lại. Lúc đó bạn của bà có thể đi ra khỏi chỗ nấp và yên ổn cho tới sáng.

Bà cám ơn và chạy tới nhà nguyện. Khi bà tới nơi thì chưa tới nửa đêm. Bà gõ cửa sổ và anh lính mở cửa.

– Thế nào? anh nôn nóng hỏi.

Bà cho anh biết lời khuyên của Bốn Mắt rồi về nhà. Lúc đó gần nửa đêm. Anh lính Di-gan ngồi co ro sau bàn thờ và chờ. Đúng nửa đêm, nắp quan tài mở ra, công chúa ngồi dậy và nhìn quanh nhưng không thấy ai hết.

– Bữa ăn tối của tôi đi đâu rồi? nàng nổi giận hét to. Chắc chắn là cha tôi đã quên tôi. Nàng biến vào quan tài và đậy nắp lại, giận như điên.

Anh lính nấp sau bàn thờ thêm một lúc nữa; khi anh thấy yên tĩnh, anh đi ra, nằm trên tấm thảm trước bàn thờ, bình thản ngủ. Sáng hôm sau, khi người ta mở cửa nhà nguyện, người ta thấy anh vẫn còn sống. Được tin đó, nhà vua rất ngạc nhiên. Ông cho gọi anh lính tới và nói:

– Kể cho ta nghe chuyện xảy ra đêm qua. Nếu ngươi nói thật, ngươi sẽ được một túi vàng đầy.

Anh lính Di-gan không phải là người lanh lợi nên anh đã kể hết. Anh chỉ giấu việc bà già đã giúp anh và anh khoe là mình đã tự tìm ra giải pháp. Vua cho anh tiền như đã hứa, nhưng ra lệnh cho anh canh giữ một đêm nữa. Anh lính Di-gan sợ quá.

– Tôi đang phục vụ những ngày cuối cùng. Tôi đã hy vọng đức vua miễn cho tôi thời gian còn lại vì tôi đã làm tròn phận sự canh giữ công chúa. Tôi rất mong được trở về nhà.

– Không được, ngươi phải đi canh đêm nay – nhà vua nói.

Nói xong, nhà vua tới nhà nguyện, giở nắp quan tài, viết vài chữ lên một mảnh giấy, để lên ngực người đang ngủ. Ông đã viết:

”Cha không quên con. Lần sau, hãy nhìn kỹ sau bàn thờ và con sẽ thấy.”

Anh lính Di-gan rất khổ sở với ý nghĩ phải thức canh một đêm nữa. Nhưng vì anh không biết việc nhà vua đã làm nên anh hơi yên lòng hơn lần đầu. Chuyện làm anh lo buồn nhất là không được về nhà. Anh rảnh cả buổi chiều để ngủ, nhưng anh thích đi loanh quanh lâu đài nên anh lại gặp bà già Di-gan.

– Ta thấy là mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp – bà nói khi anh chào bà. Chừng nào con được về nhà?

– Có lẽ ngày mai – anh lính trả lời. Đức vua ra lệnh cho tôi canh giữ một đêm nữa.

– Ta không thích chuyện đó lắm. Ta hy vọng là con không kể cho vua nghe chuyện xảy ra đêm qua ở nhà nguyện.

– Đức vua có hỏi, nên tôi đã nói cho người biết – anh lính thú nhận.

– Con ngốc quá! Tại sao con kể cho ông biết?

– Ông đã cho tôi tiền.

– Được, con hãy đưa ta phân nửa số tiền rồi ta sẽ tìm cách gỡ rối cho con một lần nữa.

Anh lính đưa cho bà phân nửa số tiền thưởng. Bà nói:

– Con tới nhà nguyện và chờ ta.

Một lần nữa, bà bắt một con cừu đực, một con gà trống, lấy một chục trứng và một tảng bơ và trở lại tìm Bốn Mắt.

– Cho ta biết cách cứu bạn ta một lần nữa – bà năn nỉ. Cậu ta hơi khờ. Cậu ta đã kể hết cho vua nghe và phải canh nhà nguyện đêm nay nữa. Ta sợ rằng đó là bẫy rập.

– Bà nghĩ không sai – Bốn Mắt nói. Nhà vua muốn anh ta phải chết. Nhưng nếu bà bảo anh ta trốn trong tủ đồ thánh trước nửa đêm thì không sao cả.

Bà già Di-gan cám ơn Bốn Mắt và chạy tới nhà nguyện. Bà cho anh lính biết phải trốn trong tủ đồ thánh để khỏi chết. Nhưng khi ra khỏi đó, đừng có kể cho vua biết đó.

Anh lính hứa làm theo lời bà và nhất là giữ mồm giữ miệng. Trước nửa đêm, anh nấp trong tủ đồ thánh và nhìn qua khe cửa. Đúng nửa đêm, nắp quan tài bật tung. Công chúa ngồi dậy và nhìn quanh. Khi không thấy người nào, nàng rên xiết, tưởng rằng cha nàng vẫn quên nàng. Lúc đó nàng thấy mảnh giấy trên ngực. Ngay khi đọc xong, nàng nhảy ra khỏi quan tài và chạy tới sau bàn thờ. Dầu đã nấp kín, anh lính Di-gan vẫn sợ run. Nhưng khi không tìm được gì sau bàn thờ, công chúa trở lại nằm vào quan tài và đóng nắp một cách giận dữ. Anh lính chỉ còn phải chờ cho tới sáng. Khi người ta báo cho vua biết rằng người lính canh vẫn bình an, ông cho đòi anh tới và hỏi chuyện xảy ra đêm qua.

Nhưng lần này, anh lính giữ im lặng. Dầu nhà vua hứa hẹn đủ điều, anh vẫn làm thinh.

– Ta sẽ cho anh một túi đầy vàng nếu anh kể hết cho ta nghe – nhà vua nói.

Một túi vàng! – anh lính nghĩ thầm. Mình có thể cất một ngôi nhà đẹp và con mình có thể đi học và trở thành người có vai vế quan trọng. Anh suy nghĩ một lúc rồi bảo thầm rằng khi bà cụ mưu mẹo đã có thể khuyên bảo anh hai lần, chắc bà cũng sẽ tìm được cách đánh lừa con ma cà rồng. Và anh cũng sẽ có đủ tiền thưởng công bà. Vì vậy anh kể hết cho vua nghe.

Nhà vua lập tức cho mang túi tiền tới thưởng cho anh, nhưng nói là anh phải canh giữ một đêm nữa.

– Đây sẽ là lần chót – vua hứa. Nếu lần này anh vẫn còn sống, anh sẽ được tự do trở về nhà, sống sung sướng cho tới cuối đời. Người lính vừa đi, nhà vua tới ngay nhà nguyện và bỏ vào quan tài một bức thư cho con gái, nói rằng ông không quên cô, rằng chắc chắn người lính vẫn ở đâu đó trong nhà nguyện. Con hãy tìm kỹ và đừng bỏ dỡ trước khi tìm ra – ông nói thêm.

Vua nghĩ mình làm được một công đôi việc: Không mất túi vàng mà vẫn cho con gái có bữa ăn tối. Vì vậy ông yên lòng trở về.

Anh lính Di-gan thì không yên lòng lắm với đêm thức canh thứ ba. Anh giấu túi vàng ở một chỗ chắc chắn, nhưng anh vẫn lo sợ cho đêm nay. Nếu bà già Di-gan không thể khuyên bảo anh một lần nữa, kho tàng của anh sẽ không có ích gì lắm.

– Vì anh đã ngu như vậy, anh phải tự xoay sở một mình.

Nhưng khi bà thấy một đống tiền vàng lấp lánh trên bàn, bà xiêu lòng và hứa tìm cách chỉ bảo anh lần chót.

– Tối nay ta sẽ tới nhà nguyện và chỉ anh chỗ trốn.

Ngay khi anh lính về, bà thu thập thực phẩm cho Bốn Mắt và vội vã vào rừng tìm nó.

– Lại bà nữa – Bốn Mắt càu nhàu khi thấy bà. Bà còn muốn gì?

Bà già đưa quà cáp ra trước rồi mới trình bày lời yêu cầu. Bốn Mắt gãi gáy.

– Lần này thì khó thật. Hôm nay công chúa sẽ đói lắm và sẽ lục lạo khắp nhà nguyện để tìm cho được bạn bà. Nếu đêm nay nàng không tìm được máu người, nàng phải chết. Chỉ có một cách có thể cứu được anh lính. Trước nửa đêm, anh phải đứng ở đầu quan tài. Khi con ma cà rồng ngồi dậy, anh phải thế chỗ nó trong quan tài và giả chết. Khi anh không mở mắt và không cử động, ma cà rồng không làm hại anh được. Nhưng nếu anh cử động thì tai họa đó. Anh sẽ bị xé xác.

Bà già Di-gan cảm ơn Bốn Mắt và chạy vội tới nhà nguyện. Anh lính đã ở đó. Bà chỉ cho anh biết phải làm gì và nhắc lại từng lời những điều anh phải làm và không được làm. Anh lính cám ơn rối rít và hứa sẽ nghe lời.

Trước nửa đêm, anh đứng trước đầu quan tài. Đúng nửa đêm, nắp quan tài bật ra, anh lấy đậy lên mình. Công chúa đọc bức thư, nhảy ra khỏi quan tài và lục lạo khắp nhà nguyện. Nàng tìm từ đầu này tới đầu kia, đi ra sau bàn thờ, nhảy vào tủ đồ thánh, lên tòa giảng, chạy khắp hành lang. Trong lúc nàng lục lạo khắp nơi, anh lính lặng lẽ chui vào quan tài, chắp hai tay lên ngực và nhắm mắt lại… Cuối cùng, công chúa trở lại quan tài, khóc lóc và than van. Khi nàng thấy người nàng tìm nằm đó như một xác chết, nàng càng khóc dữ. Nàng đổ hàng suối nước mắt và cầu khẩn người lính mở mắt ra và ngồi dậy. Nhưng anh lính Di-gan cứ nằm yên.

– Anh lính ơi, hãy nhìn tôi – nàng nói giọng hết sức ngọt ngào. Hãy coi tôi đẹp biết bao. Nếu anh ngồi dậy, anh sẽ cứu được mạng tôi và tôi sẽ làm vợ anh.

Có lẽ anh lính rất muốn biết công chúa có thật đẹp như nàng nói không, nhưng anh không dám mở mắt và cử động. Bỗng người ta nghe đồng hồ trên tháp chuông đổ. Một giờ… công chúa thét to và ngã vật xuống đất.

Người lính chờ một lúc nữa. Khi mọi thứ đều im lặng, anh ra khỏi quan tài. Anh nhìn công chúa và thấy nàng bất động. Anh bồng nàng lên để vào quan tài và đậy nắp lại. Anh biết rằng nàng không còn làm hại anh được nữa. Kế đó anh nằm xuống thảm trước bàn thờ và ngủ say. Sáng hôm sau, khi lính mở cửa nhà nguyện và một lần nữa thấy anh Di-gan vẫn còn sống, họ chạy đi báo tin cho vua biết. Nhưng người lính canh không đợi nhà vua đòi anh tới nữa. Anh vắt giò lên cổ chạy ra khỏi nhà nguyện. Anh chạy tới chỗ cất giấu, lấy túi vàng vác lên vai và đi thẳng. Trên đường đi, anh dừng lại nhà bà già Di-gan, đền ơn bà trọng hậu. Rồi anh từ giã bà, mua một con ngựa để đi cho nhanh, sung sướng gặp lại vợ con mà anh không gặp mặt suốt bảy năm.

Công Chúa Tóc Vàng

Công chúa tóc vàng là truyện cổ tích Tiệp Khắc, ca ngợi Aroka – một chàng trai dũng cảm và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, từ việc thả con cá kì dị đến việc cứu cô công chúa khỏi con yêu tinh độc ác, anh đều không quản ngại.

1. Ngày xưa có một chàng trai thông minh, dũng cảm và tốt bụng tên là Aroka.

Một hôm Aroka câu được một con cá hình thù lì dị. Anh không biết làm gì, liền thả cá xuống nước. Lạ thay, cá cất tiếng nói với anh:

– Cảm ơn anh đã thả tôi ra. Xin biếu anh viên ngọc này, nó sẽ giúp anh hiểu được tiếng nói của tất cả loài vật trên đời.

Aroka vui sướng mang viên ngọc về nhà. Đang bữa cơm, anh thấy hai con chim mỏ ngậm một sợi tóc vàng óng ánh đậu trên cửa sổ. Chúng bàn tán sôi nổi về chuyện nàng công chúa[1] tóc vàng xinh đẹp đang bị giam hãm trong tòa lâu đài bằng pha lê ở cạnh rừng bên. Nghe thế, Aroka liền lên đường cứu người con gái xấu số. Anh vừa tới khu rừng thì trông thấy hai con chim đang bay lượn nháo nhác vì chim con bị gió hất rơi khỏi tổ. Aroka nhặt chú chim non đặt vào chỗ cũ và tiếp tục đi. Được một quãng, anh lại cứu bầy kiến đang bị lửa vây, một con ong vàng vướng vào mạng nhện và chú cá chép bị mắc cạn. Tất cả các con vật được cứu đều cám ơn Aroka và nhận đưa đường cho anh đến chỗ nàng công chúa tóc vàng bị giam.

2. Khi anh đến lâu đài thì yêu tinh đã hiện ra đón đường. Nó cười khà khà và nói với Aroka:

– Chàng trai trẻ định đến cướp công chúa tóc vàng xinh đẹp của ta ư? Hãy làm cho được ba điều sau, anh sẽ toại nguyện[2], bằng không thì đừng nghĩ đến việc trở về!

Thoạt đầu yêu tinh bắt anh nhặt tất cả những viên ngọc trai trong chuỗi hạt của nó vừa bị rơi vãi trên đám cỏ rậm. Aroka lo lắng tìm kiếm. Anh chợtt nhìn xuống đất và thấy một bầy kiến không biết từ đâu đến, đã nhặt gọn giúp anh đầy đủ, không sót một viên nào.

Đến việc thứ hai, yêu tinh bảo anh xuống đáy hồ mò cho nó chiếc nhẫn quý rơi. Việc này Aroka được cá chép giúp.

Việc cuối cùng, yêu tinh bắt anh vào lâu đài nhận mặt công chúa đang đứng lẫn trong năm mươi cô giái giống hệt nhau, trên mặt mỗi cô đều có một tấm lụa phủ kín. Aroka đang băn khoăn thì chú ong vàng xuất hiện. Chú bay lượn trước mặt cô gái và hát:

Công chúa tóc vàng đây; Anh hãy đến ngay Đem nàng đi khỏi nơi này!

Aroka vội chạy lên đón công chúa và đặt nàng lên mình ngựa, phóng một mạch về cung vua.

Từ đó, Aroka trở thành con rể nhà vua và anh được sống hạnh phúc với nàng công chúa tóc vàng kiều diễm[3] đó.

Theo truyện dân gian Tiệp Khắc (Báo Thiếu niên tiền phong)

Công chúa: con gái vua.

Toại nguyện: được như mong muốn.

Kiều diễm: chỉ người phụ nữ dịu dàng, đẹp đẽ.

Câu hỏi gợi ý trong truyện Công chúa tóc vàng

Câu được con cá lạ Aroka đã làm gì?

Nhờ đó, Aroka đã biết được điều gì?

Trên đường đi cứu công chúa, Aroka đã cứu được những con vật nào?

Gặp yêu tinh, Aroka phải đối phó với nó như thế nào? Kết quả ra sao?

[alert style=”success”]Đừng quên kể cho bé nghe những câu chuyện hấp dẫn về các nàng công chúa

Nàng Công Chúa Chăn Ngỗng

Nàng công chúa chăn ngỗng – Truyện cổ Grimm

Cô công chúa xinh đẹp chia tay mẹ đến nước xa lạ để kết hôn với hoàng tử. Trên đường đi nàng bị thị nữ hãm hại, khi đến nơi nàng phải đi chăn ngỗng. Nhưng cuối cùng nàng công chúa đã được kết hôn cùng hoàng tử, còn thị nữ độc ác kia bị xử phạt thích đáng.

Truyện cổ tích Nàng công chúa chăn ngỗng

Ngày xưa có một bà hoàng hậu tuổi đã cao. Đức vua chết đã lâu. Bà có một cô con gái rất xinh đẹp. Khi lớn lên, nàng được hứa hôn với một chàng Hoàng tử con vua một nước xa xôi.

Đến ngày tổ chức lễ cưới, nàng công chúa sửa soạn đi đến nước xa lạ. Mẹ nàng gói ghém cho nàng những vật quí giá: đồ trang sức, vàng, bạc, cốc, châu ngọc , tóm lại là tất cả những gì xứng đáng làm của hồi môn cho một công chúa, vì mẹ nàng rất mực thương nàng. Mẹ nàng gửi gắm nàng cho một thị nữ có nhiệm vụ dẫn nàng đi đến chỗ ở người chồng chưa cưới. Mỗi người cưỡi một con ngựa. Ngựa công chúa cưỡi tên là Phalađa, biết nói.

Đến lúc chia tay, bà hoàng vào trong phòng ngủ, lấy một con dao nhỏ trích ngón tay, để chảy ba giọt máu. Bà cho máu thấm xuống một cái khăn trắng nhỏ, đưa cho cô gái và dặn: “Con thân yêu, con hãy giữ gìn cẩn thận cái khăn này, nó sẽ có ích cho con trên đường đi”.

Hai mẹ con buồn bã từ biệt nhau. Công chúa áp cái khăn lên ngực, nhảy lên yên ngựa để đi đến nơi ở của người yêu. Sau khi đã đi một tiếng, cô cảm thấy khát khô họng, bèn bảo thị nữ:

– “Em hãy xuống ngựa, lấy cốc của ta múc nước suối kia và mang lại đây cho ta, ta khát nước lắm”.

– “Nếu cô khát, thị nữ trả lời, thì hãy tự nhảy xuống, rồi vươn người ra trên mặt nước mà uống. Tôi không phải là đầy tớ của cô”.

Công chúa khát lắm, bèn xuống ngựa, cúi xuống dòng nước suối để uống nước. Nàng không dám uống nước bằng cốc vàng. “Trời ơi!” nàng kêu to. Ba giọt máu bảo cô: “Nếu mẹ cô biết sự tình thế này, thì hẳn tim bà sẽ tan nát trong ngực”.

Nhưng công chúa là người can đảm. Nàng không nói gì và lại nhảy lên ngựa. Ngựa phi được vài dặm. Trời thì nóng nực, chẳng mấy chốc nàng lại khát nước.

Tới một con sông, nàng bảo thị nữ: “Em hãy xuống ngựa và cho ta uống nước bằng cái cốc vàng”. Cô đã quên đứt những lời độc ác của thị nữ. Nhưng thị nữ lại trả lời ngạo mạn hơn: “Nếu cô khát thì tự đi uống nước một mình, tôi không phải là đầy tớ của cô”.

Công chúa khát quá, nhảy xuống ngựa, cúi xuống dòng nước chảy xiết, khóc và kêu lên: “Trời ơi!” Ba giọt máu liền đáp lại: “Nếu mẹ cô biết sự tình thế này, thì hẳn tim bà tan nát trong ngực”. Trong khi cô cúi xuống để uống thì cái khăn có thấm ba giọt máu, tuột khỏi ngực cô và trôi theo dòng nước mà cô không hay biết, vì lúc đó cô rất sợ hãi.

Thị nữ thì lại trông thấy hết và nó rất vui mừng từ giờ trở đi công chúa sẽ bị nó trả thù. Từ lúc đánh mất ba giọt máu, công chúa trở nên yếu đuối, không đủ sức tự vệ nữa. Khi nàng định trèo lên con ngựa Phalađa thì thị nữ bảo: “Tôi sẽ cưỡi con Phalađa, còn cô, cô hãy cưỡi con ngựa tồi của tôi”.

Công chúa đành làm như vậy. Tiếp đó thị nữ ra lệnh, lời lẽ gay gắt, bắt nàng phải cởi quần áo hoàng cung ra và mặc quần áo của nó vào. Cô lại phải thề với trời đất là khi đến cung điện sẽ không nói lộ ra. Nếu cô không chịu thề thì nó sẽ giết cô tại chỗ. Nhưng con Phalađa đã quan sát tất cả và ghi nhớ tất cả. Thị nữ cưỡi con Phalađa, còn công chúa thì cưỡi con ngựa tồi. Nó lại tiếp tục đi, cuối cùng đến lâu đài nhà vua. Ở đấy, mọi người rất vui mừng khi họ tới, và Hoàng tử vội chạy tới tận nơi đón họ, đỡ thị nữ xuống ngựa, vì tưởng rằng đó là vợ chưa cưới của mình. Thị nữ đi lên bậc thềm lâu đài, còn nàng công chúa thì phải đứng lại ngoài sân.

Vua cha nhìn ra, qua cửa sổ thấy nàng duyên dáng và tuyệt đẹp. Người vào trong cung hỏi cô gái được coi là vợ chưa cưới của Hoàng tử xem cô gái đứng ngoài sân là ai. “Tâu vua cha, con đã gặp cô gái đó trên đường đi và con đưa cô ta đi cùng để đỡ lẻ loi một mình. Xin vua cha cho cô ta làm việc để cô ta khỏi phải vô công rồi nghề”. Nhưng vua cha không có việc gì giao cho cô làm cả.

Người bảo: “Ở ngoài kia, ta có một anh chàng chăn ngỗng, hãy để cô ta giúp việc vậy”. Chàng trai tên là Cuốc. Vợ chưa cưới của Hoàng tử phải giúp anh chăn ngỗng.

Ít lâu sau, vợ chưa cưới giả tâu với hoàng tử: “Chàng thân yêu ơi, em muốn một điều, chàng hãy làm vui lòng em”. Hoàng tử nói: “Được thôi!” “Chàng hãy cho gọi người thợ lột da đến đập chết con ngựa em đang cưỡi đến đây, vì trong khi đi đường nó làm em bực tức”.

Thật ra thì nó sợ con ngựa kể lại cách nó đã đối xử với công chúa. Đến lúc con ngựa trung thành Phalađa phải chết thì công chúa được tin. Nàng hứa với người thợ lột da là sẽ bí mật biếu anh một đồng tiền bằng bạc nếu anh giúp nàng một việc nhỏ. Trong đô thị có một cái cổng to rất tối, hàng ngày, sớm tối nàng phải dẫn đàn ngỗng đi qua. Nàng xin người thợ lột da hãy đóng đanh treo đầu con Phalađa vào cái cổng ấy để nàng có thể luôn luôn trông thấy nó.

Người thợ lột da hứa sẽ làm và bác đóng chặt đanh treo đầu ngựa vào dưới cái cổng tối om. Sáng sớm, khi cùng Cuốc đi qua cổng, cô bảo cái đầu: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!” Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này tim mẹ sẽ vỡ tan tành”. Lặng lẽ, cô đi khỏi đô thị, dẫn đàn ngỗng ra cánh đồng.

Đến đồng cỏ, cô ngồi xuống và rũ tóc ra. Tóc cô óng ánh như vàng nguyên chất và Cuốc rất thích nhìn mớ tóc ấy lóe sáng. Anh muốn nhổ vài sợi tóc. Công chúa bèn nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ. Hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”. Tức thì gió thổi mạnh cuốn đi cái mũ của Cuốc. Anh ta chạy theo ngay. Khi anh trở về thì công chúa đã chải đầu xong và anh không nhổ được sợi tóc nào. Anh rất bực và không nói năng gì với cô nữa.

Họ lại tiếp tục chăn ngỗng đến chiều, rồi cùng về nhà. Sáng sớm hôm sau, khi lùa ngỗng qua cổng, cô gái nói: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!”

Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này, tim mẹ sẽ vỡ tan tành”.

Đi ra khỏi đô thị, cô lại ngồi trên đồng cỏ và lại rũ tóc ra chải. Cuốc muốn nắm lấy mớ tóc. Cô vội vàng nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ, hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”. Gió nổi lên, cuốn cái mũ đi. Cuốc phải chạy theo. Khi anh trở về thì công chúa đã chải đầu xong từ lâu và anh không nắm được mớ tóc ấy. Và rồi hai người lại cùng chăn ngỗng đến chiều.

Nhưng chiều hôm ấy, về tới nhà, Cuốc đến gặp vua cha và tâu: “Kính thưa hoàng thượng, con không thể chăn ngỗng cùng cô gái này nữa” – “Tại sao vậy?”, vua hỏi. “Suốt ngày, cô ta làm con bực mình!” – Vua cha bảo anh kể lại sự việc đã xảy ra. Cuốc nói: “Buổi sáng, chúng con dẫn đàn ngỗng qua cái cổng tối om, ở đấy có một cái đầu ngựa treo trên tường. Cô ta nói với nó: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!” Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này tim mẹ sẽ vỡ tan tành.” Và Cuốc kể các sự việc đã xảy ra ở cánh đồng chăn ngỗng và tại sao anh ta lại phải chạy theo cái mũ. Vua cha dặn anh ta ngày hôm sau cứ đi chăn ngỗng như thường lệ.

Sáng sớm ngài thân chinh đến dưới cái cổng tối om và nghe được những câu cô gái nói với cái đầu Phalađa. Ông theo ra cánh đồng và nấp vào một bụi cây. Chính mắt ngài trông thấy anh thanh niên và cô gái lùa ngỗng thế nào và sau một lúc, cô gái ngồi xuống gỡ mớ tóc vàng lóe sáng. Rồi cô lại nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ, hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”. Một cơn gió thổi mạnh, cuốn cái mũ đội đầu của Cuốc đi. Anh phải chạy theo rất xa. Cô gái chăn ngỗng chải tóc và cuốn thành từng búp. Vua cha nhìn thấy tất cả. Không ai nhận ra ngài khi ngài rời khỏi đó.

Chiều đến, cô gái về nhà, ngài cho gọi cô đến và hỏi tại sao cô lại làm như thế. “Tâu bệ hạ, con không thể nói được”, – cô trả lời. – “Con không thể kể nỗi khổ của con với bất cứ ai trên thế gian này, con đã thề như vậy để khỏi bị người ta giết”. Vua cha cô ép cô nói, nhưng ngài không biết được gì thêm bèn nói: “Nếu con không muốn nói với ta, thì con hãy kể nỗi khổ của con với cái bếp lò này”. Rồi ông bỏ đi.

Cô đến ngồi gần cái bếp lò, than khóc, thổ lộ tâm can: “Ta ngồi đây, bị cả thế gian ruồng bỏ, dù ta là con vua. Một tên thị nữ độc ác đã áp chế ta, bắt ta đổi cho nó quần áo hoàng cung. Nó thay thế ta để làm vợ chưa cưới của người yêu ta, và ta bắt buộc phải làm công việc bình thường của người chăn ngỗng. Nếu mẹ ta biết nông nỗi này, tim bà sẽ tan nát”.

Vua cha đứng ở phía tường bên kia gần ống thông hơi, ngài đã nghe thấy hết. Ngài trở về và gọi cô hãy rời cái lò đến gặp ngài. Người ta mang đến cho cô quần áo hoàng cung, cô mặc vào đẹp như là có phép lạ. Vua cha cho gọi con trai đến và bảo cho con biết về cô vợ chưa cưới giả mạo. Cô người yêu thật đứng trước chàng, đấy là cô gái chăn ngỗng.

Hoàng tử thấy cô rất đẹp và phúc hậu nên lòng tràn ngập niềm vui. Một bữa tiệc được sửa soạn để mời tất cả các bạn bè thân thuộc. Hoàng tử và công chúa ngồi ở đầu bàn, trước mặt họ là con thị nữ. Nó bị choáng ngợp và không nhận ra cô chủ trang sức lộng lẫy. Khi họ đang ăn uống vui vẻ, vua cha ra một câu đố cho thị nữ. Nó phải trả lời là một người đàn bà lừa dối chủ thì sẽ bị xử tội như thế nào. Ngài kể các sự việc đã xảy ra và hỏi nó: “Như thế sẽ xứng đáng với hình phạt gì”. – “Nó xứng đáng phải đuổi đi khỏi đất nước” – “Kẻ ấy chính là mày, mày sẽ bị xử tội như mày nói”. Sau khi hình phạt được thi hành, Hoàng tử cưới nàng công chúa làm vợ và họ trị vì đất nước trong hòa bình và hạnh phúc.

Nguồn: Truyện cổ tích Grimm

Truyện Công Chúa La Habana

Cổng thành vừa mở thì một thanh niên tuấn tú, mặt hoa da phấn, cưỡi ngựa mang cung phóng vút ra. Đó là công chúa Habana, nàng dũng sĩ!

Đúng vậy, người phóng ngựa qua đây chính là công chúa Habana người con gái độc nhất của nhà vua Cu-ba. Mới nhìn tưởng như nàng là một hoàng tử, vì nàng thường ăn mặc như nam giới, cưỡi ngựa vào rừng săn bắn. Từ năm 10 tuổi, Habana đã thích nghề cung kiếm. Nàng là người có tài có sắc, đã bao hoàng tử các nước, bao chàng trai quyền quý đến cầu hôn. Vua cho hỏi ý nàng, nàng đều thưa:

– Thưa phụ vương! Xin phụ vương cho phép con được tự chọn lấy người xứng đáng. Phụ vương cho mở hội thi võ, nếu ai địch nổi con, con sẽ xin nhận người đó làm chồng.

Những cuộc thi võ được mở ra hàng năm để kén phò mã. Nhưng vẫn chưa ai địch nổi tài nghệ của Habana.

Cuộc sống đang yên vui thì giặc ngoại xâm kéo đến.

Nhà vua lo sợ, cử các tướng sĩ đi dẹp giặc. nhưng bao nhiêu người ra đi đều chết hoặc bại trận trở về. Nhà vua đem tình hình giặc ngoại xâm uy hiếp kể lại cho Ha-ba-na nghe. Nàng liền quỳ xuống tâu:

– Thưa phụ vương! Xin cho phép con được đem tài sức nhỏ mọn ra cứu nước, cứu dân.

Nhà vua từ chối:

– Con là con gái thì địch sao nổi giặc. Mà cha cũng chỉ có mình con!

– Thưa phụ vương! – Habana ngắt lời vua – Cứu nước cứu dân thì đâu có kể tới chuyện gái và trai. Xin phụ vương cứ cho con đi.

Trước thái độ kiên quyết của con, nhà vua đành phải nhận lời.

Ngay hôm đó, công chúa Habana cùng một số tướng sĩ lên thành xem xét thế giặc. Tối đến, nàng ra lệnh cho một số quân đốt đuốc rực trời ở cổng phía đông để nghi binh, còn quân tinh nhuệ thì vòng theo cổng phía tây để đánh tập hậu.

Quân địch thấy cổng thành đồng sáng rực, tưởng quân nhà vua kéo ra ứng chiến, bèn tập trung quân vào đấy đối phó. Trong lúc ấy, Habana đã dẫn đoàn quân tinh nhuệ đánh sau lưng. Quân địch mắc lừa, trở tay không kịp, một số lớn bị giết, số còn lại cắm cổ bỏ chạy.

Habana thừa thắng thúc quân sĩ đuổi theo, nhưng một mũi tên độc từ phía quân thù bay lại cắm lên người nàng. Habana ngã gục xuống chân ngựa. Đoàn quân của nàng như vũ bão vẫn hò hét lao về phía trước.

Khi đoàn quân thắng trận quay lại thì thấy Habana đã tắt thở bên con ngựa trung thành. Nàng đã hy sinh anh dũng, thanh kiếm vẫn cầm trong tay.

Quân nhà vua thắng trận trở về, bên niềm vui phấn khởi, còn mang theo lòng thương tiếc người nữ tướng dũng cảm. Nhà vua chạy ra ôm xác công chúa:

– Habana! Habana! – nhà vua nức nở.

Giặc tan, nhân dân mở hội ăn mừng, nhưng không thể không thương nhớ công chúa Habana dũng cảm. Họ lập bia kỷ niệm và đặt tên thành phố đó là thành phố Habana để ghi công nàng. Tới nay, đất nước Cu Ba đã bao lần thay đổi, nhưng tên Habana, thủ đô Habana, tên nàng công chúa dũng cảm vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Cu Ba.

Cập nhật thông tin chi tiết về Công Chúa Ma Cà Rồng trên website Kovit.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!